Hoạt động quản lý nhà nước về CLSPHH được đổi mới theo hướng : Đảm bảo tối đa tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp; hoạt động đánh giá CLSPHH trong sản xuất và cung ứng dịch vụ được xã hội hóa tối đa có thể và Nhà nước thực hiện chính sách hậu kiểm đối với công tác kiểm tra, kiểm soát CLSPHH lưu thông trên thị trường. Hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng ở đây được hiểu là các biện pháp quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước nhằm gây ảnh hưởng đến các yếu tố về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Thông qua đó, Nhà nước có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, phòng tránh rủi ro, xác định rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh (về chất lượng) và duy trì trật tự kinh tế - xã hội. Hoạt động quản lý Nhà nước về CLSPHH trong luật được thực hiện theo các nguyên tắc:
Nguyên tắc hậu kiểm: Doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình làm ra. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất của doanh nghiêp. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn đạt được mục tiêu quản lý, kinh tế, xã hội thông qua các hoạt động gián tiếp như: Đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu khác để doanh nghiệp áp dụng; đưa ra các điều kiện, nội dung, thủ tục xã hội hóa hoạt động đánh giá chất lượng (do các tổ chức đánh giá sự phù hợp như phong thử nghiệm, tổ chức chứng nhận thực hiện); Nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp và tổ chức đánh giá sự phù hợp và việc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng.
Trên thị trường, sản phẩm sau khi thực hiện các yêu cầu quy định của Nhà nước được tự do lưu thông. Nhà nước chỉ kiểm tra ngẫu nhiên các yêu cầu về chất lượng, đặc biệt các đặc tính về an toàn của sản phẩm, hàng hóa hoặc khi có sự khiếu nại của khách hàng, người tiêu dùng về chất lượng. Khi phát hiện thấy sai lỗi. Khi phát hiện thấy sai lỗi, doanh nghiệp sẽ vị Nhà nước xử lý như bồi thường, bồi hoàn, thu hồi, sửa chữa lại... hoặc bị kiểm tra trực tiếp tại nơi sản xuất. Đây là biện pháp hậu kiểm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy thông thương. Tổ chức đánh giá sự phù hợp vi phạm nguyên tắc hoặc làm sai kết quả đánh giá sự phù hợp sẽ bị xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại phát sinh, truy cứu trách nhiệm hình sự, đình chỉ hoặc loại bỏ, không được hoạt động tiếp.
Nguyên tắc thị trường: Mức chỉ tiêu chất lượng do thị trường quyết định, hay nói cách khác do thỏa thuận giữa người mua và người bán. Người mua có ít tiền sẽ chọn những sản phẩm, hàng hóa có chỉ tiêu chất lượng thấp; người mua có nhiều tiền sẽ lựa chọn những sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao; chất lượng quá kém thì sản phẩm, hàng hóa sẽ bị thị trường đào thải vì không ai mua. Người sản xuất tùy thuộc vào đối tượng của thị trường tiêu thụ mà quyết định mức chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa của mình.
Tuy vậy, mức độ an toàn của sản phẩm, hàng hóa nhất quyết phải tuân thủ theo yêu cầu của Nhà nước đặt ra. Nhà nước tiếp cận và quản lý CLSPHH từ thị trường thay vì từ cơ sở sản xuất như trước đây. Đây cũng là nguyên tắc để thực thi chính sách hậu kiểm. Nhà nước chỉ quan tâm đến kết quả đầu ra, còn hoạt động nội bộ, quá trình sản xuất do người sản xuất hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu nguy cơ mất an toàn sản phẩm có thể phát sinh trong quá trính sản xuất thì Nhà nước sẽ đưa ra các quá trình đặc biệt mà người sản xuất phải áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000 hay HACCP.
Mặt khác, chất lượng không đảm bảo theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc nhằm mịc đích trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh... thì tùy mức độ có thể bi xử phạt hành chính, quy trách nhiệm vi phạm pháp luật về quảng cáo hoặc làm hàng giả.
Nguyên tắc hội nhập: Nguyên tắc quản lý chất lượng, nội dung và thủ tục đánh giá sự phù hợp phải tương đồn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các yêu cầu của Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các hiệp định khác mà Việt Nam tham gia đều phải được thỏa mãn nhằm tránh gây ra các rào cản. Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp là một việc làm đặc biệt quan trọng trong quản lý chất lượng tại mỗi quốc gia. Hàng rào Việt Nam khi xuất ra nước ngoài sẽ gặp phải rào cản kỹ thuật khác nhau, nếu không có cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp sẽ gây mất thời gian và tốn kém cho doanh nghiệp. Muốn kết quả đánh giá sự phù hợp được thừa nhận và vượt qua các rào cản kỹ thuật, các thủ tục đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam phải tuân thủ các thông lệ quốc tế và thừa nhận. Nguyên tắc này sẽ đồng thời mang lại lợi ích cho đối tượng được quản lý, đó là thúc đẩy thương mại và nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Minh bạch, công khai, không phân biệt đối xử: Mọi biện pháp quản lý của Nhà nước đều phải rõ ràng, minh bạch và công khai. Cơ chế quản lý CLSPHH phải công bằng, không có sự khác biệt nhằm gây ra các rào cản đối với đối tượng này hoặc tạo điều kiện cho đối tượng khác tương ứng. Ví dụ như phân biệt nguồn gốc xuất xứ, phân biệt giữa hàng nội với hàng nhập khẩu...
Nguyên tắc xã hội hóa: Các hoạt động kỹ thuật như chứng nhận, thử nghiệm, giám định CLSPHH được Nhà nước xã hội hóa triệt để nhằm: Giảm thiểu sự đầu tư của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực và điều kiện; đảm bảo tính minh bạch của hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định CLSPHH; tạo ra một lực lượng đánh giá chứng nhận, thử nghiệm, giám định đông đảo phục vụ, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại; mở rộng đối tượng cần được đánh giá chứng nhận, thử nghiệm, giám định; Nhà nước không tham gia trực tiếp để giám sát các hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tạo ra sân chơi bình đẳng và thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp từ các quốc gia khác.
Từ ngày 1.7.2008, Luật CLSPHH sẽ chính thức có hiệu lực. Để Luật đi vào đời sống, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường sẽ xây dựng dự thảo Nghị định và các Thông tư hướng dẫn áp dụng các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các nội dung của Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về CLSPHH là việc làm không kém phần quan trọng, khẳng định vai trò quản lý nhà nước về CLSPHH trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.