Đầu năm 2010, khi việc đàm phán giá cho thuê cột điện để treo cáp thông tin chưa ngã ngũ thì phía EVN đã “ngỏ ý” với các mạng di động cho mạng EVN Telecom được roaming. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là một áp lực cho các mạng trong việc đàm phán, trao đổi giữa EVN và các doanh nghiệp viễn thông. Dù vậy, các doanh nghiệp viễn thông vẫn lên tiếng phản đối việc cho EVN Telecom roaming với mạng di động của mình. Trong khi đó, một đại diện của EVN đã đăng đàn trên truyền thông cho rằng: “EVN Telecom đang rất khó khăn do bị các nhà mạng lớn lợi dụng thế thống lĩnh thị trường như Viettel, VNPT từ chối cho roaming. Trong khi các mạng lớn này đều sẵn sàng cho roaming quốc tế nhưng với các nhà mạng trong nước thì lại từ chối. Như thế là bất hợp lý”.
Tuy nhiên sau đó, câu chuyện này nhanh chóng rơi vào quên lãng.
EVN "tái" đề nghị
Mới đây, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của EVN đã có kiến nghị lên Bộ TT&TT về vấn đề cho phép EVN Telecom được roaming với các mạng di động trong nước. Ông Đào Văn Hưng cho biết, theo tính toán sơ bộ của EVN, tổng vốn đầu tư của 4 mạng di động (trong đó có EVN) cho 3G dự kiến là gần 4 tỷ USD và mỗi công ty sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Theo số liệu các doanh nghiệp khi thi tuyển 3G công bố thì trong giai đoạn đầu, các mạng di động sẽ đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD với 15.000 trạm thu phát sóng 3G. Như vậy trong các năm tiếp theo, các mạng di động sẽ đầu tư thêm khoảng 2,5 tỷ USD để hoàn thiện mạng 3G với khoảng 30.000 trạm thu phát sóng. Phía EVN cho rằng, nếu được sử dụng chung cơ sở hạ tầng bằng cách roaming các mạng 3G và 2G thì có thể các mạng di động sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD.
|
Cạnh tranh trong lĩnh vực di động quan trọng nhất vẫn là chất lượng mạng. |
“Đại gia” di động nhất loạt phản đối cho roaming
Phản ứng trước đề nghị này của EVN, ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho rằng, hiện nay các mạng di động tính toán đầu tư đủ cho nhu cầu khách hàng của mình chứ không đầu tư cho các mạng khác. Hạ tầng được đầu tư dựa vào chiến lược kinh doanh của mỗi mạng. Hơn nữa, dịch vụ di động rất khó dự báo tình hình thuê bao di chuyển ra sao, đặc biệt là thuê bao của mạng khác để đầu tư đảm bảo chất lượng dịch vụ. Trên thế giới, việc cho roaming kiểu như thế này hầu như không nước nào làm cả. “Hiện nay cạnh tranh trong lĩnh vực di động quan trọng nhất vẫn là chất lượng mạng. Việc đầu tư để có một mạng di động phủ rộng như Viettel không phải là chuyện dễ dàng. Các cán bộ, nhân viên của Viettel đã phải nhiều năm trèo đèo lội suối để xây dựng trạm BTS. Thậm chí đầu tư xây 1 trạm ở những nơi khó khăn cao gấp 6 lần so với những nơi khác. Cho đến thời điểm này, việc phủ sóng 3G và 2G rộng đang là lợi thế cạnh tranh của Viettel”, ông Hoàng Sơn nói.
Phía Viettel còn cho biết, hiện nhà cung cấp này đang có thỏa thuận cung cấp hạ tầng cho Đông Dương Telecom để cung cấp dịch vụ mạng di động ảo. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dịch vụ thì Đông Dương cũng phải có dự báo và cam kết sử dụng trước để Viettel đầu tư mạng lưới đáp ứng nhu cầu, tránh nghẽn cho cả hai.
Phía MobiFone cũng lên tiếng đồng tình với quan điểm của Viettel. Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó giám đốc MobiFone cho biết, hiện MobiFone vẫn phải đầu tư mạnh để đáp ứng nhu cầu khách hàng của mình chứ chưa nói đến phục vụ khách hàng của mạng khác. Hơn nữa, vùng phủ sóng và chất lượng đang là vũ khí cạnh tranh của các mạng nên rất khó có thể chia sẻ với nhau được.
Đồng quan điểm với Viettel và MobiFone, một lãnh đạo của VinaPhone cho biết, EVN đang nhầm lẫn khái niệm về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Các mạng có thể chia sẻ với nhau phần truyền dẫn, cột BTS chứ không chia sẻ nhau về roaming. Thậm chí ngay cả MobiFone và VinaPhone cùng chung một “mẹ” là VNPT - khi tiến hành roaming với nhau vẫn phải trên cơ sở đổi trạm BTS và ở các vùng tương ứng nhau chứ không phải mở roaming tất cả. Hiện các mạng di động lớn đang tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng vì chúng ta vẫn chưa đạt đến ngưỡng phủ sóng rộng khắp với chất lượng tốt. Từ trước đến nay, các mạng cạnh tranh nhau quan trọng nhất là chất lượng vùng phủ sóng. Nếu cho roaming như vậy sẽ khiến cho các mạng khác “lười nhác” trong việc mở rộng vùng phủ sóng và sẽ không phát triển vùng phủ sóng ở những nơi khó khăn. Như vậy, việc phát triển hạ tầng rộng khắp trong chiến lược quốc gia sẽ bị đe dọa.
Với những phản ứng trên của các “đại gia” di động, gần như khả năng roaming của EVN Telecom vào các mạng lớn sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi”. Điều đó cũng có nghĩa, khả năng hấp dẫn đối tác đầu tư vào EVN Telecom sẽ kém phần hấp dẫn bởi vùng phủ sóng của mạng này vẫn còn hạn chế.
Theo www.ictnews.vn