Tranh giành ngôi vị số 1
Những ngày cuối tháng 4, thế giới công nghệ chợt trở nên nóng hơn và pha chút ngạc nhiên, tò mò khi nhận được tin hãng công nghệ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei Technologies đã quyết định khởi kiện ZTE Corp – “người anh em đồng hương” nhưng đồng thời cũng là một trong những đối thủ “sát sườn” nhất của họ. Dẫu biết rằng khi có cùng một sân chơi, khả năng xảy ra đụng độ là khá lớn nhưng cuộc đối đầu trực tiếp và công khai đầu tiên giữa 2 “đại gia” Trung Quốc này đã thu hút nhiều hơn sự quan tâm của giới kinh doanh công nghệ toàn cầu.
“Chúng ta sẽ được chứng kiến ngày càng nhiều hơn những vụ kiện kiểu này trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Chính phủ Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ đã có những nhà vô địch nhưng giờ là lúc họ quay sang “đánh nhau” để tranh giành ngôi vị số 1”, David Wolf, một nhà tư vấn công nghệ ở Bắc Kinh phát biểu.
Theo đơn kiện mà Huawei đệ lên tòa án tại 3 nước châu Âu (Pháp, Đức và Hungary) thì ZTE đã vi phạm bản quyền phát minh, sáng chế của họ đối với công nghệ di động thế hệ thứ 4 (4G) mà họ đang phát triển với khả năng cho phép tạo ra các kết nối ổn định hơn, băng thông rộng hơn…
Hiện tại, các công nghệ này đang được ứng dụng thử nghiệm một cách hạn chế tại Mỹ và một số quốc gia khác. Điều dễ hiểu là nếu hãng nào kiểm soát được bản quyền đối với các công nghệ này, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông như Huawei và ZTE sẽ có khả năng thu lời hàng tỷ USD mỗi khi chúng được triển khai tại các thị trường trên thế giới.
|
Cả Huawei và ZTE đều đang là các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
|
“Gà nhà đá nhau”
Hiện tại, cả Huawei và ZTE đều đang là các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với doanh thu hàng năm tại các thị trường Trung Quốc, châu Phi và châu Mỹ Latinh lên tới hàng tỷ USD, đồng thời họ cũng đang được coi là những hãng có tiềm năng trong việc dẫn đầu thế giới về công nghệ mạng di động 4G. Sự phát triển của Huawei và ZTE còn là niềm hy vọng của chính phủ Trung Quốc trên con đường “hóa thân” từ một “công xưởng giá rẻ” trở thành một quốc gia hùng mạnh thực sự về công nghệ.
Bấy lâu nay, trong lĩnh vực công nghệ, ZTE và Huawei luôn được coi là những người tiên phong trong làn sóng biến các công ty Trung Quốc thành các tập đoàn đa quốc gia. Dù ra đời sau nhưng họ đang là các đối thủ rất khó chịu của những liên doanh “lão làng” trong thế giới viễn thông như Nokia-Siemens Networks, Ericsson và Alcatel-Lucent. Điều này thể hiện qua việc sự hiện diện của họ tại các thị trường Mỹ và EU ngày càng rõ rệt.
“Vụ kiện này nhắc cho chúng ta nhớ rằng bấy lâu nay Huawei và ZTE vẫn ở trong trạng thái “bằng mặt nhưng không bằng lòng” và về lâu dài họ luôn coi nhau là những đối thủ. Trong thời gian gần đây, Huawei đã phát triển nhanh hơn và có tham vọng lớn hơn.
Tuy nhiên, họ không nên đấu đá với nhau bởi thị trường viễn thông - công nghệ vẫn còn đủ khoảng trống cho cả Huawei, ZTE hay những hãng khác mà thị trường Trung Quốc là một ví dụ”, Matt Walker – chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường viễn thông Ovum bình luận.
Tất nhiên, ZTE cũng đã lập tức phủ nhận các cáo buộc này đồng thời đã đề nghị tòa án Pháp cũng như “mượn tiếng” các nhà quản lý Trung Quốc để kêu gọi bác bỏ quyền “sở hữu” của Huawei đối với một bằng sáng chế. “ZTE tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty khác nhưng chúng tôi cũng không thể không bảo vệ quyền sở hữu đối với những sáng chế công nghệ của mình”, thông cáo của ZTE viết.
Sự kiện “gà nhà đá nhau” với việc Huawei và ZTE lôi nhau ra các tòa án nước ngoài cũng khiến cho chính phủ Trung Quốc “nóng mặt” bởi đó không khác gì một hành động “thiếu tin tưởng” vào hệ thống tòa án của nước này đồng thời đi ngược với định hướng “tập trung năng lượng để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài” mà họ đã được nhắc nhở bấy lâu nay.
Theo www.ictnews.vn