Theo tinh thần cuộc họp ngày 9/6/2011 giữa Sở KHCN TP.HCM với đại diện Viện nghiên cứu Công nghệ vùng Flander Bỉ (VITO), phía VITO sẽ tổ chức 2 chương trình, gồm đào tạo tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Việt Nam và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Ông Trương Quang Vũ, Phòng Quản lý khoa học - Sở KHCN cho biết, trước đây Sở KHCN, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và VITO đã họp nhiều lần để xúc tiến chương trình này. VITO đã phỏng vấn một số nghiên cứu sinh thuộc khoa điện và hóa Đại học Bách Khoa TP.HCM, nhưng mỗi khoa chỉ có một ứng cứ viên đạt yêu cầu.
Đến nay, chương trình vẫn tiếp tục và tập trung vào 3 lĩnh vực chính là (1) năng lượng bền vững hay còn gọi là năng lượng sạch; (2) quản lý, lập kế hoạch đất đai, tập trung vào GIS; (3) hóa chất bền vững, tập trung vào các công nghệ liên quan đến hóa chất, hợp chất lấy từ thiên nhiên, điển hình là công nghệ màng.
Nếu nghiên cứu sinh nào có nhu cầu, ĐH Bách Khoa sẽ giới thiệu cho VITO và họ sẽ tiến hành phỏng vấn.
Đối với chương trình chuyển giao công nghệ, Việt Nam quan tâm một số công nghệ được VITO phát triển, trong đó có công nghệ màng rất có tiềm năng trong việc lọc, tách chất; công nghệ Eharbor (cảng điện tử) và Green Building hay còn gọi là tòa nhà tiết kiệm năng lượng.
Phía Việt Nam vẫn đang suy xét việc cử nghiên cứu sinh, đặc biệt đối với mảng chuyển giao công nghệ. Việt Nam sẽ cử cán bộ trẻ, người đã có kinh nghiệm. Trong quá trình các ứng cử viên theo học, VITO sẽ cung cấp toàn bộ máy móc, thiết bị và chi phí liên quan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần chịu phần chi phí cho người hướng dẫn khoảng 200 triệu đồng (~10.000 USD).
Theo www.pcworld.com.vn