Theo đánh giá của Vụ Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực, cố gắng triển khai mạng 3G, thực hiện các nội dung cam kết. Chỉ trong thời gian ngắn đã triển khai phủ sóng diện rộng trên 63 tỉnh, thành phố, phù hợp với mục tiêu đề ra của cấp phép 3G.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho hay, nếu như giai đoạn đầu cung cấp dịch vụ, theo sự phản hồi của người dùng, chất lượng mạng 3G còn chưa tốt, hay bị rớt mạng, ngắt quãng kết nối do các doanh nghiệp cần thời gian để tối ưu, vận hành mạng 3G thì nay, chất lượng dịch vụ đã tốt hơn dù vẫn còn chưa đồng đều giữa các khu vực cũng như các doanh nghiệp.
Tính tới thời điểm này, tổng số thuê bao 3G trên toàn Việt Nam đạt hơn 8 triệu thuê bao. Mạng di động VinaPhone cho hay họ đã có trong tay 3,7 triệu thuê bao là các khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ 3G của nhà mang.
Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, về mạng lưới, một số doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone đã triển khai vượt mức cam kết xây dựng, triển khai mạng 3G tại thời điểm 3 năm sau cấp phép.
Vùng phủ sóng 3G theo dân số và theo diện tích lãnh thổ trên cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không tính đến việc roaming với mạng 3G khác, tới thời điểm báo cáo đã phủ sóng trên toàn quốc với tỷ lệ theo diện tích lãnh thổ đạt từ 54,71% đến 93,68%.
Các doanh nghiệp sử dụng lại 100% hạ tầng trạm BTS 2G có sẵn để triển khai 3G. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng 3G trung bình tháng đối với các dịch vụ truyền dữ liệu từ 5,4% đến 34,32%. Các dịch vụ công nghệ 3G được cung cấp đạt tốc độ truy nhập tới 7,2MB/s và tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt tới trên 98%.
Tổng doanh thu của dịch vụ 3G từ khi doanh nghiệp đầu tiên là VinaPhone triển khai cung cấp tới thời điểm 31/12/2010 tính tỷ lệ phần trăm doanh thu của dịch vụ thoại và dịch vụ truyền dữ liệu trên tổng doanh thu đạt xấp xỉ 3.600 tỷ đồng.
Mạng di động VinaPhone cho hay, dịch vụ đem lại doanh thu chủ yếu cho doanh nghiệp là Mobile Internet và Mobile Broadband. Theo đại diện mạng MobiFone, trong khi doanh thu về thoại của doanh nghiệp di động giảm xuống, 3G lại giúp doanh thu data tăng trưởng mạnh khoảng 10 lần so với trước.
Đưa ra kiến nghị tại buổi sơ kết, cả bốn doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ 3G là VinaPhone, MobiFone, Viettel và EVN Telecom đều đồng loạt xin được Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cho rút nốt phần đặt cọc 3G còn lại để dành vốn tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới.
Theo Phó giám đốc VinaPhone Hoàng Trung Hải, với tổng số vốn đầu tư mạng 3G rất lớn mà đa phần là từ nguồn vốn vay, trong điều kiện khó khăn về tài chính hiện nay, doanh nghiệp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét kiểm tra việc thực hiện hoàn thành trước thời hạn và giải ngân số tiền còn lại giúp doanh nghiệp có vốn tái đầu tư vào mạng lưới, đặc biệt là cho mạng 3G trong việc mở rộng vùng phủ sóng cũng như đa dạng hơn các dịch vụ và gói cước.
Đây cũng là quan điểm được đại diện ba doanh nghiệp còn lại đang cung cấp dịch vụ công nghệ 3G là MobiFone, Viettel và EVN Telecom đưa ra. Được biết, số tiền mà các doanh nghiệp đã bỏ ra đặt cọc để triển khai 3G lên tới 8.100 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện giải chấp 50% tổng số tiền đặt cọc cho các doanh nghiệp tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ.
Theo www.vnmedia.vn