|
Pico “khoe” đạt kỷ lục bán hàng Việt Nam. Ảnh: G.D |
Thiếu trung thực cũng… dễ đạt “kỷ lục”
Hôm 19/7, đúng 3 ngày sau khi siêu thị Pico tại địa chỉ 324 Tây Sơn mở cửa, ông Trịnh Đức Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Pico đã khẳng định trên nhiều phương tiện truyền thông rằng Pico đã bán sạch số lượng “khủng” là 2000 chiếc tivi LCD Sharp chỉ sau 6 giờ đồng hồ. Ngoài ra, cũng còn có hơn 3000 chiếc lò vi sóng và 4000 chiếc laptop Acer lần lượt được bán hết ra thị trường trong vòng 2 và 3 ngày mở cửa bán hàng siêu thị.
Vừa khẳng định đây là một “kỷ lục” của Việt Nam, ngay sau đó, Pico đã kịp làm tưng bừng kỷ lục mà doanh nghiệp này cho là đáng tự hào khi trưng ra tấm biển đạt “Kỷ lục bán hàng Việt Nam” do Công ty Nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam ghi nhận, đồng thời cũng loan tin rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thế nhưng, với nhiều khách hàng đã không mua được tivi LCD Sharp tại Pico 324 Tây Sơn hôm khai trương 16/7, thì cái kỷ lục đó đã khiến cho họ phải… giật mình ngỡ ngàng. Bởi, người ta xoáy nghi vấn vào việc không có chuyện 2000 chiếc tivi LCD Sharp giá 3.990.000 đồng đã được bán hết với chỉ trong thời gian chóng vánh như vậy (và cùng đó, dư luận cũng đặt nghi vấn vào cả chuyện có thực hay không chuyện 4000 chiếc laptop Acer lỗi mốt cũng được bán hết). Đáng chú ý, câu chuyện càng lên đến đỉnh điểm khi danh sách 2000 khách hàng (để Pico khẳng định “tôi minh bạch”) được đăng tải công khai ngay trên trang pico.vn đã dính ngay lỗi cơ bản: Rất nhiều người chỉ với 1 họ tên, 1 số chứng minh thư nhân dân vẫn mua được nhiều mặt hàng (cho dù Pico khẳng định trước đó là để không xảy ra chuyện một khách hàng mua được nhiều sản phẩm, việc nhập liệu 2000 khách hàng sẽ được quản lý bằng phần mềm vi tính!).
Lãnh đạo Pico cuối cùng cũng phải thừa nhận công ty “có sai một tý”, và trước sức ép của dư luận, vài ngày sau đó thì tấm biển “Kỷ lục bán hàng Việt Nam” hoành tráng đã bị gỡ xuống. Tuy nhiên, bên cạnh sự thiếu trung thực của Pico thì dư luận trong những ngày gần đây cũng đặt nghi vấn sang công ty Nghiên cứu Thị trường GfK – một doanh nghiệp đa quốc gia có thời gian hoạt động khá lâu tại Việt Nam, đã đứng ra “ghi nhận” cho kỷ lục của Pico. Tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội về công nghệ và thị trường, dư luận bực mình cho rằng GfK dẫu sao cũng là một công ty nghiên cứu thị trường có uy tín nhất định, thế nhưng cái sự gọi là “ghi nhận” kỷ lục cho Pico tại sao lại tỏ ra… dễ tính đến như vậy? Liệu có hay không chuyện GfK dễ dàng bị Pico “qua mặt” chỉ bởi một danh sách khách hàng “ma”, hay là chính bản thân công ty này nhắm mắt chứng nhận… liều theo cái sự ồ ạt, xô bồ của nguyên tắc “đôi bên có lợi” đang rất phổ biến trên thị trường?
GfK… im thin thít
Đến thời điểm hiện nay, đã gần nửa tháng trôi qua nhưng vụ lùm xùm liên quan đến Pico vẫn chưa hết sức nóng trên các diễn đàn mạng. Nhiều ý kiến còn mỉa mai rằng sau khi công ty này “dính chàm” trong sự việc của Pico, chuyện chứng nhận kỷ lục “hàng đầu” hay “chất lượng cao” này nọ gắn mác “ghi nhận bởi GfK” đều đang dần kém uy tín trong mắt cộng đồng người tiêu dùng và thị trường.
“Làm việc kém vẫn có thể được vinh danh, rinh cúp vàng” – Cái thực tế vốn đã rất nhức nhối thi thoảng vẫn xuất hiện tại các cuộc vinh danh thương hiệu, chứng nhận (vốn nhiều như “nấm sau mưa”) tồn tại từ lâu nay tại Việt Nam đã được báo chí đề cập đến nhiều, thì nay lại xuất hiện tại sự kiện khai trương của Pico.
Có lẽ, nếu xuất hiện ở thời điểm khác thì có lẽ chưa chắc Pico đã bị cộng đồng người tiêu dùng lên án mạnh mẽ đến như vậy, nhưng đáng tiếc, sự việc lần này lại tựa như một giọt nước tràn ly sau hàng chuỗi sự việc rắc rối liên quan đến việc đội giá cao rồi tuyên bố “giảm giá sốc” của Pico, hay cùng nhiều sự việc thực hiện chương trình khuyến mãi, “giờ vàng” thiếu uy tín của hàng loạt siêu thị khác như TopCare, Media Mart… tạo ra trong suốt thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, một chuyên gia trong lĩnh vực PR – Marketing khẳng định chuyện một doanh nghiệp “hợp tác” với một công ty về nghiên cứu thị trường để đưa ra những thành tích này nọ để rồi trưng ra cho bàn dân thiên hạ, khuyếch trương thương hiệu không còn là chuyện hiếm tại nhiều nước trên thế giới. Còn tại Việt Nam, khoảng vài năm gần đây kênh truyền thông này cũng đang được khá nhiều doanh nghiệp lớn chú ý.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, chuyên gia này cũng cho rằng việc Pico tung ra khuyến mãi trong sự kiện khai trương hôm 16/7 là sự kiện giúp cho rất nhiều khách hàng có lợi là điều không thể phủ nhận (dù rằng như với chiếc laptop Acer, mức ưu đãi của nó chẳng vươn tới cái mức 3 triệu đồng như Pico tuyên bố, mà thực chất chỉ là vài trăm nghìn đồng), thế nhưng chiến lược truyền thông cho cái danh “Kỷ lục bán hàng Việt Nam” của Pico lại vướng sai lầm, khiến cho nó lại trở thành tai nạn rất đáng tiếc, và thậm chí cả Công ty GfK cũng trở thành tâm điểm để dư luận chỉ trích.
Vụ “lùm xùm” đã xảy ra cả nửa tháng nay, dù phóng viên Báo BĐVN đã cố gắng liên lạc với đại diện GfK Việt Nam để trao đổi về những vấn đề liên quan, để làm rõ thực hư có hay không chuyện công ty này bị Pico “qua mặt” với bản danh sách khách hàng “ma”, trách nhiệm của GfK đối với một thương hiệu mà họ đã “ghi nhận” ra sao... thế nhưng đáng tiếc, đến nay doanh nghiệp này vẫn… im lặng.
Lãnh đạo Pico cuối cùng cũng phải thừa nhận công ty “có sai một tý”, và trước sức ép của dư luận, vài ngày sau đó thì tấm biển “Kỷ lục bán hàng Việt Nam” hoành tráng đã bị gỡ xuống.
Theo www.ictnews.vn