Microsoft không còn xem Linux như đối thủ cạnh tranh trên thị trường máy tính cá nhân. Điều này được chứng tỏ qua sự thay đổi trong tài liệu thường niên mà nhà khổng lồ phần mềm gửi cho Uỷ ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ, theo tin của Business Inside dẫn nguồn tiểu blog của Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Directions on Microsoft (bộ phận chuyên viết về Microsoft) là ông Wes Miller.
Theo bản báo cáo thường niên theo mẫu 10-K của Mỹ công bố từ hôm 27/7/2011, Microsoft xem Apple và Google là các đối thủ cạnh tranh chính của mình. Đồng thời, các hệ điều hành Linux không còn được đề cập mặc dù năm trước, Linux vẫn được liệt kê cùng với 2 công ty vừa nêu.
"Hệ điều hành Windows chịu sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm phần mềm thương mại do các công ty vững mạnh cung cấp, bao gồm Apple và Google, cũng như từ hệ điều hành Linux... Hệ điều hành Windows cũng chịu sự cạnh tranh từ phía các nền tảng thay thế và thiết bị mới có thể làm giảm nhu cầu đối với máy tính cá nhân (PC)" - bản báo cáo công bố hồi tháng 7/2010 viết.
Trong phiên bản mới nhất của tài liệu, câu trên được sửa như sau: "Hệ điều hành Windows chịu sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm phần mềm thương mại do các công ty vững mạnh cung cấp, chủ yếu là Apple và Google. Hệ điều hành Windows cũng chịu sự cạnh tranh từ phía các nền tảng thay thế và các thiết bị có thể giảm nhu cầu đối với PC".
|
Microsoft loại Linux ra khỏi danh sách các sản phẩm cạnh tranh với Windows. |
Rõ ràng là, sau một năm, Microsoft đã phải thay đổi các ưu tiên. Linux không còn gây ra mối đe dọa về việc đưa các sản phẩm của họ chiếm thêm thị phần PC, nhưng không thể nói như thế với các hệ điều hành Google Chrome và Apple Mac OS X.
Trong các chương báo cáo về máy chủ chuyên dụng và phần mềm hệ thống, Linux vẫn được xem như một đối thủ chính cùng với IBM, Red Hat, Intel, Metrowoerks và MontaVista Software.
Ngay từ hồi tháng 4/2011, trong bài trả lời phỏng vấn với Network World, Giám đốc điều hành Linux Foundation Jim Zemlin đã thừa nhận rằng Microsoft đã chiến thắng trong cuộc giành giật thị trường người tiêu dùng cuối. Ông đồng thời cũng thông báo rằng Linux đã chiến thắng hầu như tại mọi phân khúc còn lại của thị trường, trong đó có máy chủ, các giải pháp di động (chỉ trừ phân khúc máy tính cá nhân). "Tôi nghĩ, chúng tôi sẽ khỏi cần lo ngại nhiều về Microsoft. Microsoft từng là đối thủ cạnh tranh lớn của chúng tôi. Nhưng bây giờ, Microsoft không còn quan trọng nữa", Zemlin nói.
Theo một bản báo cáo mới đây của Gartner về thị trường hệ điều hành dành cho PC, đến cuối năm 2011, thị phần của Windows 7 sẽ đạt 42%, Mac OS X - 4,5%, Linux dưới 2%. Các nhà phân tích cho rằng trong vòng 5 năm tới, Windows sẽ không có đối thủ đáng kể nhưng cũng cảnh báo khuynh hướng mà Microsoft không thể làm ngơ liên quan đến việc ngày càng nhiều ứng dụng phần mềm không lệ thuộc vào nền tảng hệ điều hành.
Theo www.pcworld.com.vn