Thứ hai, 23/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 25/11/2011
"Chìa khóa" cho doanh nghiệp CNTT Việt "Nhật tiến"

Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều thấy Nhật Bản là thị trường chủ chốt, đặc biệt là với hoạt động gia công phần mềm. Tuy nhiên, "con đường Nhật tiến" vẫn đang vấp phải một số lực cản.

Hop-tac-CNTT-Viet-Nhat.jpg
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu gia công phần mềm chính của doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Ảnh: Ngọc Mai.

"Rào cản" vào thị trường Nhật

Với góc nhìn của "người nhà", ông Trần Tuấn Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) nêu ra một số lực cản điển hình từ phía doanh nghiệp Việt như "rào cản" ngôn ngữ, thiếu năng lực quản lý dự án, kiểm soát chất lượng, thiếu kỹ sư phần mềm cầu nối... Trong đó, đáng tiếc nhất là câu chuyện "rào cản" ngôn ngữ đã được liên tục nhấn mạnh trong rất nhiều năm qua, đến giờ vẫn chưa có "lời giải".

Còn theo con mắt khách quan của phía đối tác Nhật Bản, ông Ikuo Amino, đại diện Cơ quan Xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA) khẳng định những hạn chế nổi bật nhất của doanh nghiệp CNTT Việt là chưa có nhiều nhân lực đạt trình độ kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế, thiếu khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật, kém khả năng đối phó/ứng phó với những bất cập phát sinh trong thực tế.... Sớm khắc phục những hạn chế này chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt hợp tác thành công với doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.

Ông Ikuo Amino cũng đặc biệt lưu ý doanh nghiệp CNTT Việt Nam về vấn đề lợi thế chi phí, giá thành. Chẳng hạn như với mảng gia công phần mềm, một kết quả khảo sát cho thấy nếu doanh nghiệp Nhật thuê doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ giảm được 20 - 30% giá so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, mới đây, một khảo sát khác lại công bố còn tới 1/4 doanh nghiệp Nhật cho biết chưa giảm được giá dịch vụ gia công phần mềm khi hợp tác với đối tác Việt Nam. Tìm hiểu thì phát hiện tổng chi phí của doanh nghiệp Nhật đã phải "đội" thêm một số khoản phát sinh do đối tác Việt Nam không đảm bảo chất lượng sản phẩm như yêu cầu, chậm giao hàng, khâu giao tiếp vẫn dựa quá nhiều vào kỹ sư công nghệ cầu nối...

"Để có thể "dắt tay nhau đi trên chặng đường dài trong tương lai", sắp tới, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ chiều sâu, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam", ông Ikuo Amino cho biết.

Tăng số lượng doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia CNTT, đang có sự gia tăng số lượng doanh nghiệp Nhật tìm được đối tác Việt hoặc thành lập pháp nhân tại thị trường Việt thời gian gần đây.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng "cầu thị" và cải thiện những hạn chế để có thể "song hành" với đối tác Nhật cùng chinh phục thị trường CNTT nội địa và quốc tế. Chẳng hạn như trường hợp Công ty Global Cyber Soft, Phó Tổng giám đốc Lê Mỹ Phúc đã chia sẻ một bí quyết thành công là thiết lập mô hình hoạt động theo hướng 2 bên Việt - Nhật  cùng ký hợp đồng chiến lược, phía đối tác Nhật sẽ cung cấp cho Global Cyber Soft dự đoán về xu hướng thị trường/nhân lực của Nhật trong thời gian 3 - 6 tháng hoặc 2 năm, hàng tháng sẽ họp và cập nhật lại dự đoán cho 6 tháng tới. Theo đó, Global Cyber Soft sẽ tổ chức nguồn nhân lực một cách hợp lý nhất, và nhờ vậy có thể giảm thiểu chi phí quản lý, một trong những mục tiêu/kỳ vọng hàng đầu của doanh nghiệp Nhật khi có ý tưởng bắt tay với đối tác Việt.

Chia sẻ thêm về sự nhiệt tình hợp tác với đối tác Nhật Bản của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) nêu dẫn chứng ngay tại QTSC, các doanh nghiệp nước ngoài gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản đều được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi như được áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 15 năm đầu triển khai hoạt động, dự án và sau đó áp mức 25%; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo; được cung cấp các dịch vụ tư vấn về thủ tục như thành lập doanh nghiệp, giấy phép đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu, visa xuất nhập cảnh, gia hạn visa, thẻ tạm trú cho các chủ đầu tư, giấy phép lao động... Đặc biệt, những công ty sử dụng hơn 500 nhân lực hoạt động tại QTSC có thể kết nối với Bộ Giáo dục & Đào tạo để thiết kế chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Đôi bên cùng có lợi

Cần khẳng định rằng sự hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam - Nhật Bản sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên.

Về phía Việt Nam, xâm nhập được vào thị trường Nhật Bản sẽ gia tăng cơ hội tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận vì Nhật Bản đang là quốc gia sử dụng CNTT lớn thứ 2 thế giới. Bên cạnh đó, kinh nghiệm ứng dụng CNTT của Nhật Bản rất dồi dào, phía Việt Nam có thể học tập và áp dụng hiệu quả. Thực tế nhiều năm qua, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật của các doanh nghiệp Việt luôn tăng trưởng với tỷ lệ cao tới 30 - 40%/năm. 40% tổng doanh thu trong ngành CNTT Việt Nam có được từ các thị trường nước ngoài, và trong số 40% đó thì Nhật Bản chiếm tới 70 - 80%.

Về phía Nhật, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp của xứ sở hoa anh đào sẽ giảm bớt được chi phí (chi phí cho sản xuất kinh doanh khi hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thấp hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ). Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của thị trường CNTT-TT Việt Nam đang duy trì những con số ấn tượng so với trong khu vực và thế giới. Với một thị trường CNTT nội địa đang mở rộng, Việt Nam đang được các doanh nghiệp Nhật đánh giá là một thị trường nhiều triển vọng, sẽ đem lại ngày càng nhiều cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp Nhật.

Lợi ích chung đem lại cho cả hai phía Việt-Nhật khi "bắt tay" hợp tác chính là tích lũy được kinh nghiệm và những điều kiện cần thiết để mở rộng thị phần quốc tế.

Theo www.ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )