Thứ ba, 07/01/2025
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 12/07/2012
Muốn xuất khẩu online phải dứt tư duy "giờ hành chính"

Dù tham gia xuất khẩu online nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa từ bỏ được thói quen chỉ làm việc "đóng khung" theo giờ hành chính, ít sử dụng tính năng Chat để giao dịch trực tiếp với khách hàng, thậm chí trả lời hỏi hàng trên mạng chậm tới vài ngày…

Xuat khau.jpg

Xuất khẩu online ngày càng chứng tỏ là kênh kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp. Ảnh: N.Đ

Sức ép liên tục gia tăng

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Đó là thực trạng giá xuất khẩu hàng hóa có xu hướng giảm, sự cạnh tranh gay gắt và quy mô rộng hơn giữa các doanh nghiệp; đồng thời bản thân nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn như kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm thấp nhất trong hàng chục năm nay, chỉ số hàng tồn kho tăng quá cao, nhập siêu giảm đột ngột…

Chính vì thế, tại buổi tọa đàm "CEO - Bài toán tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, việc tìm hướng đi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu được các chuyên gia kinh tế đưa ra "mổ xẻ".

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để vượt qua những khó khăn trong năm 2012, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động phân tích tình hình, sẵn sàng lập nhiều kịch bản ứng phó với biến động của thị trường như đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, tăng cường hợp tác trong kinh doanh… Trong đó, đa dạng kênh xuất khẩu hàng hóa (như xuất khẩu online) được xem là yếu tố quan trọng để tạo đà phát triển.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (thuộc VCCI) nhấn mạnh, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử (TMĐT), các doanh nghiệp phải thay đổi từ cách thức kinh doanh truyền thống là bán hàng trực tiếp sang thích nghi với kênh trực tuyến.

Đáng chú ý là doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh, ứng dụng mạnh CNTT, xuất khẩu online. "Việt Nam đang có khoảng 160 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, chỉ 18 doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài nhưng số này lại chiếm tới 65% doanh số xuất khẩu”, ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ.

 

 

Tư duy "ì ạch": Khó đủ đường!

Trước thực trạng khó khăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu được nêu ở trên, ông Trần Đình Toản - Phó Tổng giám đốc Công ty OSB, đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam cho rằng: xu hướng xuất khẩu trực tuyến ngày càng tỏ rõ hiệu quả giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng lợi thế này.

Ông Lê Văn Lợi đề cập đến vấn đề đáng lo ngại là có đến 96% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng mức đầu tư cho CNTT còn hạn chế.

Qua tìm hiểu hơn 200.000 doanh nghiệp Việt là thành viên của Alibaba.com, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Quốc gia của Alibaba.com Việt Nam cho hay, nhiều doanh nghiệp dù tham gia xuất khẩu on line nhưng lại chỉ làm trong giờ hành chính, hoặc cùng lắm là đến 7 giờ tối đã "tắt đèn" của tính năng Chat. Thậm chí, có doanh nghiệp ngay trong giờ làm việc cũng không sử dụng tính năng này.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc có múi giờ gần như tương đương với Việt Nam vẫn sáng đèn 24/24 giờ để sẵn sàng trao đổi với khách hàng.

"Chính sự khác biệt đó góp phần làm nên sự thành công của doanh nghiệp nước ngoài. Điều này rất quan trọng, bởi dù ở Việt Nam đã hết giờ hành chính nhưng nhiều quốc gia lệch múi giờ với chúng ta lại đang trong giờ làm việc. Nếu không tranh thủ, các doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội", ông Thủy nói.

Đại diện Bộ Công thương khuyến nghị rằng, khi có e-mail hay tin nhắn hỏi hàng nên trả lời ngay trong vòng 24 giờ chứ không thể "hoãn" sau vài ngày hay thậm chí 1 tuần như nhiều doanh nghiệp Việt đang thực hiện bởi sự chậm trễ đó sẽ làm cho mức độ quan tâm của các nhà nhập khẩu tại nhiều quốc gia sụt giảm.

Các chuyên gia đề nghị, ngay từ bây giờ doanh nghiệp Việt Nam cần chuyên nghiệp hơn khi tham gia xuất khẩu online. "Để thúc đầy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thì một trong những nhân tố quyết định cải thiện vấn đề này chính là định hướng và tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp đối với bài toán tăng trưởng xuất khẩu", bà Phạm Chi Lan nói.

Cũng theo thông tin từ Alibaba.com và OSB, hai doanh nghiệp này đang thực hiện dự án "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế" với trị giá 21 tỷ đồng nhằm hỗ trợ chi phí trở thành thành viên cao cấp trên Alibaba.com, đào tạo doanh nghiệp xuất khẩu online hiệu quả...

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )