Chủ nhật, 22/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 19/06/2024
Sáng tạo bền vững trong sản xuất điện tử và tự động hóa: Thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt

Vietnet24h - Ngày 12/6 tại Bắc Ninh đã diễn ra triển lãm Confex kết hợp với Hội thảo “Sáng tạo bền vững trong sản xuất điện tử, tự động hoá và hơn nữa” do Công ty RX Tradex và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 với nhiều biến động và rủi ro sẽ tiếp tục tạo nên những cơ hội và thách thức đan xen đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã đóng góp một phần lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như sự suy giảm do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng ấn tượng. Chỉ trong quý I/2024, ngành này đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu với giá trị 30,5 tỷ Đô la Mỹ, chiếm trên 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quý I.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã nêu bật cái nhìn tổng quan về chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam. Chuỗi cung ứng được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện. Theo sau các dự án FDI lớn về gia công lắp ráp của các ông lớn đầu chuỗi, những năm kế tiếp sau đó, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện gia tăng đáng kể. Năm 2021, Foxconn đầu tư 453 triệu USD SX lắp ráp máy tính bảng, đầu năm 2023, công ty con của Foxconn cũng đã đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ. Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được minh chứng qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cấp hàng đầu như Foxconn, Pegatron, …Sự phát triển này đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để duy trì và phát triển sức mạnh cạnh tranh của mình, các doanh nghiệp trong ngành cần phải đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là về yêu cầu ngày càng cao về bền vững từ các thị trường xuất khẩu. Các tiêu chuẩn sản xuất xanh, sạch, an toàn và kiểm soát minh bạch chuỗi cung ứng đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm và áp dụng các giải pháp sáng tạo và bền vững trong quá trình sản xuất và kinh doanh của mình.

 

ESG (Environmental, Social, and Governance) và KTTH (Kinh tế Tuần hoàn) là hai khái niệm quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp. Mặc dù chúng có điểm khác biệt, nhưng cùng nhằm đến một mục tiêu chung là tạo ra giá trị bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.

ESG cung cấp một khuôn khổ để đánh giá và cải thiện hiệu suất bền vững của doanh nghiệp bằng cách tập trung vào ba phương diện: môi trường, xã hội và quản trị. Việc thực hiện các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp tăng cường quản lý rủi ro, nâng cao uy tín và niềm tin từ cộng đồng, nhà đầu tư và khách hàng, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

KTTH là một mô hình kinh tế cụ thể hướng đến việc đạt được sự bền vững thông qua việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lượng chất thải. Các bước thực hành KTTH thường bao gồm thực hiện nguyên tắc “3R”: Reduce (Giảm khí thải/phát thải), Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế). Trong đó, ưu tiên thực hiện Reduce và Reuse để giảm thiểu lượng chất thải và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.

Bằng cách kết hợp ESG và KTTH, các doanh nghiệp có thể xây dựng và thực thi chiến lược phát triển bền vững hiệu quả, đồng thời tạo ra giá trị dài hạn cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Bên cạnh đó, trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp ở mọi quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Đây là một phần không thể thiếu của việc đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất và cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn, và bền vững.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Để nắm bắt được cơ hội thị trường từ các hiệp định này, các doanh nghiệp cần phải hiểu và tuân thủ các cam kết và yêu cầu của thị trường các nước đối tác. Bên cạnh những yêu cầu về năng suất và chất lượng, các đối tác nước ngoài đang ngày càng có xu hướng đặt ra thêm những yêu cầu liên quan đến lao động, xã hội, môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp. Xu hướng này đang được đẩy mạnh bởi các quy định về trách nhiệm thẩm định liên quan đến phát triển bền vững đã được ban hành ở một số quốc gia trong số đó bao gồm Đạo luật mới của Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong Chuỗi cung ứng được thông qua vào tháng 7 năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) và Dự thảo Chỉ thị của Liên minh Châu Âu về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp được thông qua vào tháng 2 năm 2022. Những quy định này yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động đánh giá và giảm thiểu rủi ro vi phạm các tiêu chuẩn về lao động, xã hội và môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.

 

Bà Mai Hồng Ngọc – Trưởng phòng Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI chia sẽ những kinh nghiệm và bài học thực tế về Luật tra soát chuỗi cung ứng của Cộng hòa Liên bang Đức (Due Diligence Act). Quá trình hướng dẫn tuân thủ Luật tra soát chuỗi cung ứng của Cộng hòa Liên bang Đức đòi hỏi sự tập trung vào việc xây dựng và triển khai các chính sách và quy trình nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động tại Đức tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của luật. Các doanh nghiệp cần đáp ứng những yêu cầu sau:

- Thiết lập hệ thống quản lý rủi ro

- Chỉ định người chịu trách nhiệm trong doanh nghiệp

- Tiến hành phân tích rủi ro thường xuyên

- Đưa ra tuyên bố chính sách

- Đưa ra các biện pháp phòng ngừa trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp và đối với các đơn vị cung ứng trực tiếp

- Khắc phục hậu quả khi xảy ra vi phạm

- Thiết lập thủ tục khiếu nại

- Thực hiện các nghĩa vụ thẩm định liên quan đến rủi ro tại các đơn vị cung ứng gián tiếp

- Lập hồ sơ và báo cáo

Nhấn mạnh vấn đề hướng tới sản xuất bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn đó là một mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững, bà Mira Nagy – Quản lý Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular) của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ)  tại Việt Nam đã đưa ra khái niệm: “Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống duy trì giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và giảm thiểu việc tạo ra chất thải. Điều này có nghĩa là một hệ thống trong đó các sản phẩm được tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất hoặc tái chế.” – trích dẫn Nền kinh tế tuần hoàn - EUR-Lex (europa.eu).

 

Dự án Go Circular như một cơ hội quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thúc đẩy sản xuất bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn. Với sự chú trọng vào việc tái chế, sử dụng lại tài nguyên và giảm thiểu chất thải, dự án này mang lại một loạt các kỳ vọng quan trọng cho doanh nghiệp trong nước.

Một trong những kỳ vọng lớn nhất là khả năng tăng cường cạnh tranh và bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc tham gia vào dự án Go Circular giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, giảm chi phí sản xuất và vận chuyển, từ đó tạo ra sản phẩm có giá cả cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, dự án này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển hệ thống chuỗi cung ứng có trách nhiệm và bền vững. Việc xây dựng các mối quan hệ với các nhà cung ứng và đối tác kinh doanh có cùng tầm nhìn về sản xuất bền vững không chỉ giúp tăng cường uy tín mà còn thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững trong lâu dài.



Sự kiện “Sáng tạo bền vững trong sản xuất điện tử, tự động hoá và hơn nữa” hứa hẹn sẽ là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận về các giải pháp tiên tiến nhằm đáp ứng các yêu cầu mới và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam.




  Trang trước    | Về đầu trang
   Các tin khác...
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )