Thứ sáu, 29/03/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 10/08/2011
“Chắc chắn phải đột phá vào nguồn nhân lực”

Để trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin, truyền thông thì chắc chắn phải đột phá vào khâu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin. Chỉ như vậy chúng ta mới có những tập đoàn mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin như nhiều nước trên thế giới.

Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với VnEconomy, khi ông vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm vào cương vị mới.
 
Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: ICTnews.

Thưa ông, với kinh nghiệm và công việc vừa qua của mình, trên cương vị mới, ông cảm thấy tự tin hay lo lắng nhiều hơn?

Tôi sẽ cố gắng cao nhất, để sớm tiếp cận từng việc một và bắt đầu công việc một cách thận trọng, chắc chắn trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Một số vị Bộ trưởng có trao đổi với báo chí rằng, "phải được toàn quyền như tướng ra trận thì mới có thể làm tốt công việc", ông có chia sẻ quan điểm này?

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các ban, bộ, ngành đều được quy định rất rõ trong các quyết định, các nghị định; cùng với đó, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng được quy định rất cụ thể. Tôi sẽ cố gắng hết sức để làm tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Vậy thứ tự ưu tiên trong công việc mới của ông sẽ như thế nào?

Điều đầu tiên là phải tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của Bộ, của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và phải nắm chắc tổ chức, bộ máy cũng như nhân sự ở các cục, vụ trong cơ quan Bộ; rồi tìm hiểu đến nhiệm vụ, chức năng, tổ chức bộ máy và kết quả hoạt động, công tác của các đơn vị trực thuộc.

Tôi nghĩ rằng, chỉ có thể điều hành nhiệm vụ có hiệu quả trên cơ sở nắm và hiểu được nhiệm vụ, hiểu được con người, hiểu được những yêu cầu đang đặt ra cho cơ quan mình cần hướng tới.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn những nhiệm vụ mà ông sẽ tập trung trong thời gian tới?

Tôi nhận thấy, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các ban, bộ, ngành trong cả nước đã và đang có rất nhiều đóng góp tích cực trong việc triển khai các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong gian qua. Với chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông thì trong thời gian tới có nhiều việc phải làm và phải triển khai một cách đồng bộ.

Trong đó, chúng tôi thấy cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất là hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch quốc gia về viễn thông và Internet. Có cơ chế, chính sách hợp lý để vừa quản lý tốt lĩnh vực này, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho lĩnh vực viễn thông và Internet phát triển mạnh và đúng hướng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đa dạng của xã hội, nhân dân.
 
Thứ hai là phải thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, đảm bảo cho thông tin và truyền thông phát triển một cách đúng hướng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt và trong mọi hoàn cảnh của đất nước. Làm cho thông tin và truyền thông thật sự đáp ứng tốt các yêu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của quốc phòng, an ninh.

Thứ ba là đẩy mạnh chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, điện tử vì đây vừa là thế mạnh, vừa là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Phải làm sao để công nghệ công nghiệp thông tin, điện tử phát triển đúng theo chỉ đạo của Nhà nước nhằm khai thác tất cả các tiện ích, lợi ích và sự ưu việt của công nghệ thông tin, điện tử phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Để công nghệ thông tin thật sự là động lực quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp các ngành và nâng cao năng suất trong lao động, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động kinh tế.

Đẩy mạnh chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, điện tử còn là yêu cầu quan trọng để góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; và phấn đấu để Việt Nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư là thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong việc tổ chức quy hoạch mạng lưới báo chí, xuất bản, phát thành, truyền hình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để bảo đảm cho các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình trong cả nước không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, hạn chế những yếu kém trong tác nghiệp, thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, làm tròn chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân và xã hội, góp phần trong việc xây dựng niềm tin trong nhân dân với Đảng và Nước, xây dựng sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai đề án rất quan trọng là “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông”, theo cá nhân ông, để trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin, truyền thông, ông sẽ định hướng tập trung vào những khâu đột phá gì?

Để tạo những khâu đột phá để đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin, truyền thông như đột phá vào khâu nào, đột vào những lĩnh vực nào… thì chắc chắn tôi và các lãnh đạo của Bộ, các ngành liên quan, các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, viễn thông sẽ cùng nghiên cứu, bàn thảo để đưa ra câu trả lời một cách chính xác, đầy đủ và khoa khọc nhất.

Tuy nhiên, trong đó một khâu chắc chắn phải chúng ta phải thực hiện là đột phá mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghệ thông tin. Vì ta có tiềm năng và thế mạnh về nguồn nhân lực, nhưng ta phải đào tạo một cách căn cơ để người học làm chủ được công nghệ thông tin, biến tiềm năng thành hiện thực với nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Chỉ như vậy mới có cơ sở xây dựng những tập đoàn có thương hiệu mạnh của nước nhà trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà nhiều nước trên thế giới đã có như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản…

Con người Việt Nam có bản lĩnh, có trí tuệ và có thiên bẩm thông minh, nhưng phải được đào tạo một cách căn cơ, bài bản về lĩnh vực này, để có nguồn nhân lực mạnh, chất lượng cao thì mới có thể là một nước mạnh về công nghệ thông tin được.

Như ở trên ông có nói, sẽ tập trung làm tốt quy hoạch lĩnh vực viễn thông và Internet. Tuy nhiên, nhiều lần  trên diễn đàn quốc hội, các vị đại biểu rất lo ngại về quản lý Internet ở Việt Nam gây ra những hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, vậy đó có là vấn đề mà ông quan ngại?

Đây là một trong những vấn đề tôi cho rằng, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan phải cùng nhau tìm ra những giải pháp, biện pháp để cùng để nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực này. Theo tôi, đây không chỉ là bài toán khó của Việt Nam mà là còn của thế giới. Nhiều nước rất mạnh về công nghệ thông tin, rất mạnh về biện pháp quản lý, mạnh cả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhưng chưa ai dám nói là đã quản lý hiệu quả tốt nhất đối với lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng quản lý tốt là để tạo điều kiện cho ứng dụng và phát huy tốt những lợi thế quan trọng trong lĩnh vực này và hạn chế, ngăn ngừa những mặt trái của nó tác hại cho xã hội. Quản lý viễn thông và Internet để phục vụ yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ cho đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; đồng thời quản lý tốt còn phải ngăn chặn những hành vi lợi dụng nó làm phương hại đến an ninh quốc gia và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Vậy còn trong lĩnh vực quản lý báo chí - một trong những lĩnh vực quan trọng của Bộ, theo ông, báo chí của ta hiện có những điểm mạnh gì cần phát huy và điểm yếu gì cần khắc phục mà ông sẽ tập trung vào những vấn đề đó?

Qua hơn 80 năm xây dựng và phát triển, Báo chí cách mạng nước nhà có nhiều kinh nghiệm, nhiều thành tựu đóng góp với đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, trong đó không thể không nói đến một số ít nhà báo còn những hạn chế nhất định về kỹ năng trong tác nghiệp, về phẩm chất năng lực, nhiệt tình và sự tâm huyết với nghề.

Điều đó không chỉ Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương mà ngay các đơn vị chủ quản cũng phải có trách nhiệm khắc phục, để nâng cao vai trò đội ngũ báo chí trong cả nước hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn cho đất nước và nhân dân.
  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )