Ngoài ra, một số thị trường khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá như Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia… Dự báo, châu Á tiếp tục duy trì là những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nước ta về những mặt hàng này.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam ra đời từ những năm 90 của thế kỷ trước và hiện có khoảng 300 doanh nghiệp (DN), gồm các đơn vị trong nước và có vốn nước ngoài, hoạt động chủ yếu là lắp ráp máy, thiết bị thông tin, sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử và máy tính phục vụ xuất khẩu. Với hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư thu hút trong những năm qua, các DN trong ngành có thêm điều kiện mở rộng quy mô hoạt động, tiếp thu công nghệ mới…
Tuy nhiên, ngành cũng bộc lộ những khuyết điểm như mất cân đối giữa sản phẩm gia dụng và hàng chuyên dùng; chủng loại sản phẩm còn đơn điệu; công nghiệp sản xuất phụ tùng và phụ trợ phát triển chậm nên tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến bị động trong phát triển sản xuất và cản trở việc đa dạng hóa sản phẩm. Nhìn chung, DN của ta đang sử dụng công nghệ chỉ đạt mức trung bình của thế giới và rất hạn chế trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã, sản phẩm mới nên sức cạnh tranh chưa cao…
Theo các chuyên gia, môi trường WTO sẽ mang lại những tác động tích cực, như DN ta có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng, công nghệ hiện đại, loại hình dịch vụ, nguồn cung cấp vật tư mang đẳng cấp quốc tế để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao; có cơ hội bình đẳng trong giải quyết tranh chấp thương mại; hấp dẫn các nhà đầu tư và sau đó xuất khẩu sản phẩm…
Thực tế, kể từ năm 2008, thị trường hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam có nhiều biến động, nhất là sau thời gian ngày 01/01/2009 theo cam kết lộ trình gia nhập WTO, theo đó, sẽ bãi bỏ trợ cấp với hàng thay thế nhập khẩu, bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu, bãi bỏ các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng cam kết chung qui định, giảm mức thuế nhập khẩu bình quân của sản phẩm công nghiệp từ 16,1% xuống 12,6% trong vòng 5-7 năm; cắt giảm ngay đối với các mặt hàng đang có thuế suất cao trên 20% và 30%, trong đó gồm nhiều loại máy móc, thiết bị điện, điện tử. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy DN trong nước phải huy động mọi nguồn lực, thay đổi công nghệ và tăng sức cạnh tranh.
Những năm tới, trên thị trường thế giới, nhu cầu sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử gia dụng vẫn tăng mạnh, nhất là sự thay đổi vòng đời sản phẩm sẽ diển ra nhanh. Các DN ngành điện tử được khuyến cáo nên tập trung vào những thị trường nhỏ lẻ có sức mua đang cải thiện nhanh; chủ động tham gia các cuộc đấu thầu cung cấp thiết bị dân dụng, đồ gia dụng hoặc thiết bị phục vụ giáo dục – đào tạo ở các nước đang phát triển để tăng kim ngạch xuất khẩu. DN cần xây dựng, phát triển thương hiệu để gia tăng thị phần trong nước kết hợp với việc cung cấp sản phẩm chuyên dùng (và linh kiện thay thế) cho các tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động tại Việt Nam…
Theo định hướng chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam thì mặt hàng điện tử, máy tính và kinh kiện được xếp vào nhóm trọng tâm ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2006-2010 và phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5,2 tỷ USD vào năm 2010.
Để đạt được mục tiêu này, cơ cấu của ngành cần được thay đổi cho phù hợp với sở trường của Việt Nam và thích ứng một cách tốt nhất với môi trường hội nhập sâu rộng. Theo đó, sẽ tiến hành chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển điện tử chuyên dùng, bao gồm sản xuất sản phẩm, linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, đo lường, tự động hóa. Đối với các sản phẩm điện tử chuyên dùng và linh kiện, các doanh nghiệp cần có biện pháp nâng cao chất lượng, tăng cường tính năng sản phẩm để đạt được giá trị gia tăng cao. Nhóm sản phẩm điện tử dân dụng sẽ áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, cải thiện mẫu mã để tăng tính thị phần và thị trường trong nước…
Theo Bản tin Xuất khẩu
Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương