Đó là loại mạch điện có khả năng ghi nhớ trạng thái. Từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ biết đến 3 thành phần cơ bản trong một mạch điện tử - đó là điện trở, cuộn cảm và tụ điện. Nhưng vào năm 1971, nhà nghiên cứu Leon Chua tại Đại học Berkeley đã đưa ra mô hình lý thuyết cho sự tồn tại của một thành phần thứ 4 với tên gọi memristor - có khả năng đo được lưu lượng của dòng điện chạy qua chính nó. Và bây giờ, chỉ 38 năm sau, Hewlett-Packard đã biến giả thuyết trên thành hiện thực.
|
|
Thành phần thứ 4 memristor có thể "nhớ" đã có bao nhiêu dòng điện chạy qua để từ đó trở thành một thành phần trong mạch điện với những thuộc tính độc đáo. Đáng chú ý nhất là memristor có thể lưu lại trạng thái điện của nó ngay cả khi dòng điện cung cấp bị ngắt, điều này giúp memristor trở thành ứng viên xuất sắc thay thế cho bộ nhớ dạng flash hiện nay. Về lý thuyết, memristor sẽ rẻ hơn và nhanh hơn nhiều so với bộ nhớ dạng flash, cho phép các nhà sản xuất đạt được một mật độ bộ nhớ xuất sắc hơn (hay đơn giản là dung lượng lưu trữ sẽ cao hơn). Không những thế, khi trở nên phổ biến, memristor còn có thể thay thế thành phần chip trong bộ nhớ RAM; vì thế sau khi tắt máy tính, memristor sẽ nhớ được chính xác những gì chúng đã thực hiện mỗi khi mở lại máy tính. Chi phí sản xuất giảm và các thành phần được hợp nhất có thể giúp tạo ra những máy tính dạng rắn (solid state) đủ mạnh, kích thước nhỏ gọn để có thể nhét gọn vào túi áo và hoạt động nhanh hơn nhiều so với máy tính hiện nay.
Memristor có thể tạo ra một chủng loại máy tính hoàn toàn mới nhờ vào khả năng nhớ được một loạt trạng thái điện, thay vì chỉ đơn giản là trạng thái tắt hoặc mở mà những bộ xử lý số hiện nay có thể nhận dạng. Bằng cách làm việc với một dãy động các trạng thái dữ liệu ở chế độ tương tự (analog), máy tính sử dụng thành phần memristor có khả năng xử lý những tác vụ phức tạp hơn chứ không đơn giản là chuyển đổi qua lại giữa hai trạng thái 0 (tắt) và 1 (mở). Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngay thời điểm này không có những rào cản thực sự đối với việc triển khai memristor vào mạch điện. Tuy nhiên, vẫn còn đó những yếu tố về mặt kinh tế để có thể thương mại hóa sản phẩm này. Memristor được sản xuất để thay thế bộ nhớ RAM (nhờ chi phí sản xuất và mức tiêu thụ điện năng thấp hơn) có khả năng sẽ xuất hiện trước tiên, và mục tiêu của HP là giới thiệu chúng vào năm 2012.
(theo PCWorld, 1/2009) |