Hiện trạng bất cập
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện nay, nhiều hệ thống thư điện tử (email) dùng riêng đã được các cơ quan Nhà nước tự triển khai xây dựng và sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ quan mình. Bước đầu, các cơ quan này đã đạt được hiệu quả nhất định, nhưng do việc triển khai chưa đồng bộ và rộng khắp nên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như thiếu tính ổn định, liên thông giữa các hệ thống, khó mở rộng và đảm bảo an toàn thông tin, nhất là thiếu những hỗ trợ cần thiết cho người sử dụng.
Nhìn nhận một cách khách quan thì các hệ thống thư điện tử hiện nay có một số nhược điểm sau: Công nghệ và sản phẩm khá đa dạng, không đồng bộ (nơi thì dùng Microsoft Exchange, nơi lại dùng IBM Lotus, Qmail…); Sau một thời gian sử dụng thì hệ thống phát sinh bất cập như dịch vụ hay bị lỗi, không ổn định, đội ngũ quản lý không chuyên nghiệp, quá trình vận hành, khai thác gặp khó khăn…; Chi phí đầu tư, quản lý cho các hệ thống email dùng riêng tương đối lớn; Một số hệ thống email không được trang bị bản quyền, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng, hỗ trợ dịch vụ.
Cần lưu ý rằng việc triển khai và cung cấp thư điện tử tới tất cả cán bộ, công chức Nhà nước sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, đã có nhiều cơ quan, đơn vị áp dụng phương án dùng chung hệ thống cung cấp dịch vụ email công cộng của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước, hoặc dùng dịch vụ của nước ngoài (như Gmail, Yahoo…), song phương án này không đảm bảo tính an toàn thông tin cũng như sự ổn định của hệ thống, khó đáp ứng yêu cầu công việc.
Với những vấn đề vừa nêu ở trên, việc xây dựng hệ thống thư điện tử tích hợp, thống nhất cho cán bộ, công chức trên toàn quốc rất cần sớm được triển khai.
Chính phủ đặt hàng doanh nghiệp
Sau khi nghiên cứu, đánh giá các phương án triển khai hệ thống CNTT trong cơ quan Nhà nước, Bộ TT&TT đã đưa ra 3 phương án hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để triển khai xây dựng hệ thống thư điện tử tích hợp, thống nhất toàn quốc cho cán bộ, công chức.
Phương án thứ nhất – Chính phủ tự đầu tư và triển khai hệ thống. Đây là phương án các cơ quan Nhà nước đang sử dụng để triển khai hệ thống thông tin phục vụ nhu cầu của mình. Tuy có ưu điểm về tính quản lý và phân định trách nhiệm khi có sự cố, song phương án này trong thực tế đã bộc lộ những hạn chế khi triển khai như thủ tục đầu tư kéo dài, năng lực của cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và vận hành các hệ thống phức tạp…
Phương án thứ hai – Chính phủ giao cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, triển khai và quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ. Phương án này tương tự với việc xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Chính phủ hiện nay, có đặc điểm giảm thiểu các chi phí liên quan đến vận hành, quản lý, khai thác do đã giao cho doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế về tính linh hoạt và tốc độ triển khai do thủ tục đầu tư kéo dài, khó đáp ứng yêu cầu cập nhật công nghệ và cung cấp các dịch vụ mới.
Phương án thứ ba – Chính phủ đặt hàng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Theo Bộ TT&TT, sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp theo phương án này có độ tin cậy cao và có tính hiệu quả. Nhà nước chỉ cần quan tâm tới đầu ra dịch vụ, còn doanh nghiệp cam kết cung cấp dịch vụ theo đặt hàng. Trên thực tế, phương án này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore…
Theo ý kiến của các chuyên gia thì phương án thứ 3 được đánh giá là lựa chọn tối ưu nhất trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là khả năng thu hút doanh nghiệp xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ cho Nhà nước và những ràng buộc về công tác quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ, làm chủ dữ liệu thông qua hợp đồng dịch vụ giữa Nhà nước với doanh nghiệp.
Đã có ứng cử viên sáng giá
Với kinh nghiệm và thế mạnh của nhà cung cấp dịch vụ CNTT-TT hàng đầu Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tự ứng cử làm một doanh nghiệp sẵn sàng nhận đặt hàng của Chính phủ để triển khai hệ thống thư điện tử tích hợp, thống nhất toàn quốc cho cán bộ, công chức Nhà nước.
Với sự chủ động tích cực, Viettel đã vạch rõ lộ trình triển khai dự án này nếu được “chọn mặt gửi vàng”. Lộ trình đó gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đầu tư hệ thống email đáp ứng khoảng 600.000 người dùng trên toàn quốc. Ở giai đoạn này, hệ thống thư điện tử sẽ phục vụ các cơ quan Bộ, ngành có nhu cầu, trước mắt là những đơn vị chưa có hệ thống email nội bộ hoặc đã có hệ thống email dùng riêng nhưng chưa đảm bảo yêu cầu.
Giai đoạn 2: Đầu tư hệ thống email đáp ứng 1.500.000 người dùng trên toàn quốc. Giai đoạn này tiếp tục đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, Bộ, ngành, địa phương đã có hệ thống email nội bộ nhưng muốn chuyển đổi sang sử dụng hệ thống email dùng chung quốc gia do Viettel cung cấp.
Giai đoạn 3: Đầu tư hệ thống email đáp ứng đủ toàn bộ số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương (khoảng 3 triệu người).
“Viettel cam kết sẽ dành tối đa nguồn lực để cung cấp dịch vụ có chất lượng, ổn định, tin cậy, hỗ trợ tối đa và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao trình độ sử dụng ứng dụng CNTT tại Việt Nam, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam”, Tổng Giám đốc Viettel Tống Viết Trung cam kết.
Cũng theo cam kết của Tổng Giám đốc Tống Viết Trung thì Viettel sẽ có sự hỗ trợ Chính phủ trong việc triển khai dịch vụ email tới các cán bộ, công chức trên toàn quốc, cụ thể: ngoài việc miễn phí khởi tạo dịch vụ, Viettel sẽ miễn phí sử dụng trong 1 năm đầu tiên, sau đó sẽ tiếp tục ưu đãi trong phương án tính phí sử dụng hàng năm.
Với những “lợi điểm” này, Viettel đang được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất trong việc triển khai xây dựng hệ thống thư điện tử tích hợp, thống nhất cho cán bộ, công chức trên toàn quốc theo đặt hàng của Chính phủ.
Theo www.taichinhdientu.vn