Cập nhật: 18/05/2010 |
Siết khuyến mại di động: “Thượng đế” buồn! |
|
Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và có hiệu lực kể từ 1/7/2010 gần như chấm dứt cuộc chạy đua “siêu” khuyến mại của các nhà mạng lớn bé trong thời gian qua. Vì thế, thuê bao trả trước và hòa mạng mới sẽ không được các nhà mạng ưu ái như trước nữa.
|
|
|
Siết khuyến mại chỉ nhằm vào thuê bao trả trước- chủ yếu là tầng lớp có thu nhập trung bình, thấp. |
|
|
Quy định mới về khuyến mại di động có lẽ chỉ tác động tới nhu cầu gọi điện và nhắn tin của thuê bao trả trước và người dùng bình dân. Hầu hết các chính sách khuyến mại di động hiện nay đều áp dụng cho thuê bao trả trước nạp thẻ hoặc thuê bao mới hòa mạng. Đây là đối tượng khách hàng chủ yếu của các mạng di động trong nước hiện nay.
Buồn cho “Thượng đế” nghèo
Theo một chuyên gia trong ngành viễn thông, việc giảm khuyến mại sẽ tác động nhiều nhất tới người dùng sinh viên và những người có thu nhập thấp. Các đối tượng này thường mong chờ và tận dụng những chương trình khuyến mại của nhà mạng để có thêm tiền nuôi chiếc “alo”.
Nam, sinh viên năm 2 trường Bách Khoa cho biết mỗi tháng cậu chỉ dành dụm được vài chục nghìn trong số tiền ít ỏi bố mẹ gửi lên cho ăn học để nuôi chiếc “alo” và trông chờ nhiều vào các đợt khuyến mại. “Đây là dịp để tôi nạp thêm tiền cho chiếc alo của mình để liên lạc thường xuyên hơn. Nếu các chương trình khuyến mại bị giảm cũng thấy hơi buồn và có lẽ sẽ phải nhắn tin nhiều hơn gọi”, Nam tâm sự.
Không chỉ đối tượng “ít tiền” như sinh viên mới phải tằn tiện hơn mà những người làm ăn buôn bán nhỏ cũng phải tiết kiệm hơn trước. Chỉ là buôn bán rau quả bình thường ở chợ Long Biên, nên nếu mỗi tháng không có khuyến mại của nhà mạng thì chị Vinh sẽ tốn thêm khoảng 100 nghìn đồng để gọi cho các mối hàng.
Trước đây chị Vinh thường dùng hai số, một số chính để nghe và một số chỉ để gọi. Số để gọi là SIM khuyến mại, dùng hết tiền là thay SIM khác. Nhưng từ đầu năm tới nay, các nhà mạng đua nhau khuyến mại có những lúc lên tới 150-170% nên tính ra gọi rẻ hơn mua SIM mới. Vì vậy, chị Vinh thường chờ các dịp khuyến mại để được gọi “thoải mái” hơn.
Ngoài sinh viên và những người có thu nhập thấp, dân “cổ cồn” cũng nằm trong số người mong chờ khuyến mại nhất của nhà mạng. Chị Vân, nhân viên PR của một công ty cỡ nhỏ, mỗi tháng công ty cho chị 500 nghìn chi phí điện thoại nhưng thường xuyên bị phát sinh thêm. Chị rất thích các chương trình khuyến mại của nhà mạng, vì khi đó số tiền của công ty cũng đủ đáp ứng nhu cầu liên lạc cho công việc.
Trong khi đa phần thuê bao trả trước cảm thấy buồn vì mất khuyến mại thì thuê bao trả sau lại thấy dửng dưng với quy định mới. Những thuê bảo trả sau chẳng mấy khi được nhận khuyến mại lớn từ nhà mạng nên việc siết chặt hay không siết chặt cũng không mấy ảnh hưởng tới họ. Tuy nhiên, đây lại là những khách hàng trung thành, ổn định và có thu nhập khá.
Hạn chế sim rác, tránh phá giá thị trường
Theo nhận định của ông Phạm Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT-TT, các hoạt động chạy đua khuyến mại của các nhà mạng từ đầu năm đến nay đã dần trở nên...quá đà, phá giá và có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, người dùng không nên hám lợi trước mắt để chạy theo các nhà mạng.
Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư trên ra đời chỉ để bảo vệ những nhà mạng lớn như Vinaphone, Mobifone hay Viettel. Vì đây là những “đại gia” nắm trong tay nhiều thuê bao di động nhất. Do mới ra đời hoặc có quy mô khiêm tốn nên các mạng nhỏ chỉ có thể lôi kéo thuê bao mới bằng những chiêu “siêu” khuyến mại. Nhưng bây giờ khuyến mại cũng bị hạn chế như nhau với các nhà mạng thì họ khó có thể lôi kéo được các thuê bao mới.
Tuy nhiên, thực chất thông tư trên ra đời cũng để bảo vệ những nhà mạng nhỏ và người tiêu dùng. Vì các nhà mạng như Vinaphone, Mobifone hay Viettel có số thuê bao lớn và ổn định, lại có thâm niên và tiềm lực mạnh nên nếu họ tung ra các đợt khuyến mại lớn trong một thời gian dài thì các mạng nhỏ khó có thể trụ vững.
Theo một quan chức của Bộ TT-TT, thông tư trên là nhằm ngăn chặn tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” để rồi “cá lớn” quay ra độc quyền thị trường viễn thông, và cuối cùng người dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi. Cũng theo vị quan chức này, việc siết khuyến mại là điều tất yếu để hạn chế tình trạng lạm phát SIM rác, lãng phí kho số như trong thời gian vừa qua.
|