Sau khi thành công ở thị trường trong nước, Viettel đang đẩy mạnh việc mở rộng thị trường nước ngoài. Tập đoàn này vừa đầu tư 99 triệu USD vào Haiti, thị trường nước ngoài thứ ba sau Lào và Campuchia. Mục tiêu của Viettel đến năm 2015 là đầu tư vào từ 10 - 15 nước với thị trường khoảng 500 triệu dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết: muốn có thương hiệu mạnh, DN phải tìm sự khác biệt mà các đơn vị khác không có và không bắt chước được. Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Viettel đã tìm cho mình một hướng đi riêng bằng chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng và giá cước linh hoạt.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, ngoài sản phẩm tốt thì thương hiệu và văn hóa phải gắn với nhau. Văn hóa rất quan trọng để xây dựng thương hiệu và chính từng thế hệ đội ngũ nhân viên sẽ góp phần xây dựng nên thương hiệu. Ông Hùng cho rằng thị trường trong nước là tài sản lớn nhất và là cái nôi nuôi dưỡng các DN.
|
Có nền tảng công nghệ, nhân lực tốt và quyết tâm, DN ICT Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với thế giới. Ảnh: Đinh Hồng |
Ở lĩnh vực bảo mật, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkis, cho biết: Một khi có đội ngũ nhân lực tốt, nền tảng công nghệ và có quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo được thương hiệu cạnh tranh với các DN hàng đầu thế giới.
Minh chứng cho điều này, ông Quảng cho biết Bkis khởi đầu với hai nhân viên (Bkis thành lập năm 2001), đến nay, công ty đã có đội ngũ nhân lực lên đến 700 người, phần mềm diệt virut của DN được hơn 73% DN Việt Nam sử dụng. Bkis quyết tâm phấn đấu trở thành một công ty CNTT toàn cầu và trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới sẽ cho ra mắt phần mềm diệt virus mang thương hiệu quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng sự tự tin này là có cơ sở khi Bkis đã gây dựng uy tín trong giới bảo mật quốc tế sau một loạt vụ phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.
Sản xuất điện thoại di động, lĩnh vực tưởng chừng rất ít có cơ hội cho DN Việt Nam, vừa qua đã ghi nhận thành công của sản phẩm Q-mobile. Số liệu thống kê tháng 4/2010 cho thấy, sản phẩm Q-mobile vươn lên vị trí thứ hai về mức tiêu thụ điện thoại (sau Nokia), chiếm 28% thị phần cung cấp điện thoại di động tại thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty TNHH Viễn thông An Bình (sở hữu thương hiệu Q-mobile) cho biết tôn chỉ, mục đích của Q-mobile hướng tới là những sản phẩm nhiều tính năng, giá rẻ, hỗ trợ chế độ hai sim và hai sóng, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Sau khi chiếm lĩnh được thị trường nội địa, Q-mobile đang tiến tới mục tiêu chinh phục thị trường nước ngoài như: Lào, Myanma và một số nước châu Phi.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty Phạm và Partners, thương hiệu không phải là vỏ bọc hào nhoáng mà cần phải coi đó là vấn đề quản trị, kinh doanh thực sự. Để làm được điều này, các DN cần cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt và có những chính sách hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất.
Đánh giá cao những những nỗ lực của các DN ICT Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT-TT cho biết: Bộ TT-TT nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh và tạo dựng thương hiệu ICT Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo www.baodatviet.vn