|
EVN Telecom chưa được giới chuyên môn đánh giá cao sẽ làm nên một cú hích thực sự cho thị trường di động Việt. |
|
|
Theo đúng cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông khi nhận giấy phép cung cấp dịch vụ công nghệ 3G, ngày 9/6 tới, EVN Telecom là doanh nghiệp thứ tư tham gia vào cuộc đua này.
Kỳ vọng cho một sự “lột xác” mới của nhà mạng trên thị trường thông tin di động, nhưng cũng có lo ngại, EVN Telecom đang ở thế… cưỡi trên lưng hổ. Nhà mạng sẽ ra sao nếu không có một sự đột phá thực sự để thoát khỏi cái bóng lờ mờ trong từng ấy năm tham gia thị trường thông tin di động.
Nhận tấm giấy phép trên kết quả thi được liên danh với Hanoi Telecom, theo như hồ sơ dự tuyển, EVN Telecom cùng với Hanoi Telecom sẽ đầu tư khoảng 6 ngàn tỷ đồng cho việc triển khai, cung cấp dịch vụ công nghệ 3G.
Ngay khi nhận giấy phép, đại diện nhà mạng EVN Telecom cho hay, với tổng vốn đầu tư gần 3 ngàn tỷ đồng, EVNTelecom sẽ thiết lập hạ tầng thông tin mạng với gần 2500 trạm BTS Node B, phủ sóng 50% dân số sau 9 tháng kể từ thời điểm được cấp phép.
Để chuẩn bị cho lộ trình cung cấp dịch vụ 3G, cùng với việc xây dựng hạ tầng, cách đây ba tháng, EVN Telecom cũng đã bắt tay với VTC trong việc cung cấp các dịch vụ nội dung, các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng 3G.
Với 3G, EVN Telecom đang đặt kỳ vọng rất lớn có thể bứt phá được trên thị trường thông tin di động Việt sau một thời gian dài vất vả phát triển không thực sự hiệu quả với băng tần 450 Mhz của công nghệ CDMA khó khăn về thiết bị đầu cuối.
Tuy nhiên, dù nhà mạng đã đặt cược vào 3G để thêm cơ hội khẳng định thị phần của mình trong làng viễn thông Việt thời gian tới, những lo ngại khó khăn trước mắt không phải là không còn.
Với các mạng di động đã triển khai 3G tại Việt Nam, họ từ 2G mà lên, về nguyên tắc, 3G là sự tiếp nối của 2G nên đây là con đường thẳng cứ thế mà đi. Còn với EVN Telecom, việc lên 3G từ công nghệ CDMA sẽ có những chông gai, thách thức.
Nhiều chuyên gia cho rằng, EVN Telecom sẽ phải vất vả hơn nhiều trên con đường tìm kiếm khách hàng sử dụng mạng 3G hơn các doanh nghiệp đi trước.
Còn nhớ, khi cung cấp dịch vụ 3G vào tháng 10/2009, đại diện của mạng di động VinaPhone đã tự tin khẳng định họ đã có ngay một lượng khách hàng sử dụng dịch vụ từ ngày đầu tiên cung cấp.
Điều này là dễ hiểu bởi với thiết bị đầu cuối công nghệ GSM, ngay cả khi Việt Nam chưa có dịch vụ 3G thì khách hàng 2G đã được tiếp cận và sử dụng. Nhưng với EVN Telecom, lên 3G, cái khó đầu tiên của nhà mạng lại cũng là thiết bị đầu cuối.
Khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của EVN Telecom nếu không phải hoàn toàn mới mà là các thuê bao cũ thì sẽ phải chấp nhận bỏ đi con “dế” CDMA mà mình đang dùng để xài dế 3G. Cái khó này đang được EVN Telecom tính đến việc sẽ hỗ trợ khách hàng khi chuyển đổi thiết bị đầu cuối. Nhưng tới thời điểm này, vẫn chỉ là dự kiến.
Rồi nhìn tình hình thực tế 3 nhà mạng đã cung cấp dịch vụ trước đó, cho tới thời điểm này, vẫn còn khá khiêm tốn về lượng người dùng, đại diện của EVN Telecom cho hay, dù đã cung cấp dịch vụ 3G rồi, nhà mạng vẫn xác định doanh thu chính của họ là thoại và nhắn tin. Và các dịch vụ 3G mà họ triển khai chẳng hạn như đầu tư mạnh cho Mobile TV thì vẫn chỉ chủ yếu mang ý nghĩa là dịch vụ gia tăng, khẳng định sự khác biệt của EVN Telecom so với các nhà mạng cung cấp 3G trước đó mà thôi.
Dù chưa chính thức cung cấp dịch vụ, nhưng với bức tranh phát triển dịch vụ 3G của Việt Nam hiện giờ, EVN Telecom chưa được giới chuyên môn đánh giá cao sẽ làm nên một cú hích thực sự cho thị trường di động Việt.
Theo www.vnmedia.vn