Trong hơn 20 năm qua, Liên minh viễn thông thế giới đã nỗ lực cùng với chính phủ các nước và ngành công nghiệp phát triển hệ thống thông tin di động băng rộng đa phương tiện, được biết đến với tên gọi IMT.
Từ năm 2000, các hệ thống IMT-2000 (theo cách gọi thông dụng là 3G) đã được giới thiệu. Tại Việt Nam, năm 2009, đã có 5 doanh nghiệp được Bộ Thông tin và truyền thông cấp 4 giấy phép cung cấp dịch vụ 3G.
Các hệ thống IMT-Advanced (4G) là bước phát triển công nghệ tiếp theo, cung cấp nền tảng cho các dịch vụ thông tin di động thế hệ mới: truy nhập dữ liệu tốc độ cao, dịch vụ đa phương tiện băng thông rộng …
Nhóm nghiên cứu 5D là nhóm tiên phong trong việc nghiên cứu các vấn đề về kỹ thuật, vận hành và sắp xếp tần số cho các hệ thống IMT. Đặc biệt, nhóm 5D đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất và sự hài hòa phổ tần số trên phạm vi toàn cầu và khu vực để giúp các hệ thống dễ dàng kết nối cũng như giúp giảm giá thành các thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối dành cho người sử dụng.
Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phát triển các hệ thống IMT nói chung, cũng như trong việc giúp các nước đang phát triển sớm có cơ hội tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến.
Các chuyên gia Cục Tần số VTĐ đã nhiều năm tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm 5D và đang theo sát các kết quả nghiên cứu để xây dựng quy hoạch tần số cho băng rộng vô tuyến tại Việt nam hài hòa với thế giới và khu vực
Hội thảo về IMT tập hợp các chuyên gia giàu kinh nghiệm về thông tin vô tuyến đến từ các nước, các công ty hàng đầu về viễn thông trên thế giới, các nhà khai thác … , đại diện đoàn Việt Nam - Cục Tần số vô tuyến điện có bài trình bày về quan điểm và những thách thức mà Việt nam gặp phải khi xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển cho thông tin vô tuyến băng rộng tại Việt nam.
Hai nhà khai thác Việt Nam - VNPT và Viettel cũng có bài trình bày tại Hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm triển khai 3G và lộ trình lên 4G với các nước trong khu vực.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nhấn mạnh: Dù thời điểm triển khai 3G mới chỉ bắt đầu trong năm 2010, nhưng chúng tôi tin rằng đây là thời điểm chín muồi cho công nghệ IMT lấy đà phát triển ở Việt Nam.
Dịch vụ nội dung và ứng dụng đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển băng rộng. Nhu cầu băng rộng được nhìn nhận ngày càng có vai trò rõ nét và là xu hướng tất yếu của tương lai số. Nguồn tài nguyên tần số là có hạn đã khiến việc nghiên cứu quy hoạch tần số trở thành mối quan tâm hàng đầu ở hầu hết các nước.
Thông qua hội thảo này, Việt Nam cam kết việc tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia vào các hoạt động về thông tin vô tuyến và viễn thông, bắt nhịp cùng xu thế chung của khu vực và thế giới.
Theo www.dantri.vn