|
Trào lưu bỏ CDMA theo GSM đang lan rộng trên toàn thế giới. |
|
|
Theo kết quả thống kê của hãng Nokia, vào tháng 6/2006 trên toàn cầu đã có 2 tỷ thuê bao di động. Trong đó có hơn 70% thuê bao sử dụng công nghệ GSM. Trong khi GSM khẳng định vai trò thống lĩnh về công nghệ trên toàn cầu trong thời gian dài thì dù CDMA được đánh giá là công nghệ vượt trội nhưng lại phát triển khá èo uột. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tính bài bỏ CDMA để theo GSM.
Tổ chức GSA (Global Mobile Supplier Association) cũng đã từng cho biết, tính đến tháng cuối 2007 thế giới có tổng cộng 36 doanh nghiệp đang khai thác CDMA chuyển sang GSM. Tháng 1/2008, nhà khai thác mạng CDMA lớn ở Canada là Telus đã xin chuyển từ CDMA sang GSM.
Đặc biệt, SK Telecom và KTF ở Hàn Quốc đã bỏ CDMA 2000 để triển khai WCDMA/HSPA (thuộc họ GSM). Ở Ấn Độ, nhiều hãng điện thoại như Reliance, HFCL, BSNL, SHyam Telelink cũng đã quyết định bỏ CDMA. Trung Quốc từng triển khai cả GSM lẫn CDMA nhưng có gần 80% người dùng nước này chọn GSM.
Trong một cuộc họp vào cuối tháng 6/2010 vừa rồi với báo giới Việt Nam, đại diện của hãng công nghệ Ericsson đã đưa ra nhận định, dự kiến đến năm 2015 sẽ có khoảng 8 tỷ thuê bao di động trên toàn cầu.
Tuy nhiên, công nghệ di động chủ đạo được các nhà khai thác di động phát triển để hút thuê bao là 3G và trên 3G dựa trên nền tảng công nghệ GSM. Còn CDMA và Wimax ở thời điểm đó dù vẫn còn phát triển nhưng với mức độ rất thấp.
Thị trường Việt có khép cửa với CDMA?
Ở Việt Nam, tới thời điểm này có hai mạng di động đang sử dụng công nghệ CDMA, đó là Sfone và EVN Telecom. Đã có thời gian (năm 2007), hai công nghệ GSM và CDMA ở thế cân bằng về lượng nhà khai thác. Khi đó có 3 doanh nghiệp triển khai GSM (VinaPhone, MobiFone, Viettel) và 3 doanh nghiệp triển khai CDMA (Sfone, EVN Telecom, HT Mobile). Thế nhưng sự cân bằng này không tồn tại được lâu.
Đầu năm 2008, HT Mobile đã phải thừa nhận thất bại khi lựa chọn CDMA, và tuyên bố sẽ chọn eGSM để thay thế. Còn EVN Telecom, dù chưa có một tuyên bố nào chính thức sẽ “chia tay” với CDMA, nhưng cũng quyết tâm ra mắt mạng 3G dù thành viên còn lại trong liên danh trúng tuyển 3G không có động tĩnh gì. .
Khó khăn của các nhà mạng CDMA là phải xây dựng một hệ thống mạng lưới hoàn toàn mới, vùng phủ sóng không triển khai mạnh và rộng khắp ngay được mà phải đầu tư dần dần, và đặc biệt do máy đầu cuối không phong phú, không tương thích với GSM nên người dùng không mấy mặn mà.
Và giờ, xem ra chỉ có Sfone là kiên trì với con đường công nghệ CDMA đã chọn. Không giành được tấm vé triển khai dịch vụ công nghệ 3G theo chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200MHz, hiện giờ Sfone vẫn đang “đơn thương độc mã” phát triển mạng di động CDMA đầy chông gai của mình.
Nhà mạng này cũng đã triển khai khá nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ 3G với những nỗ lực được đánh giá nhằm giữ vững lượng khách hàng hiện tại và thu hút thuê bao mới dù không nhiều.
Cuối tháng 5/2010, Trung tâm ĐTDĐ CDMA S-Telecom - chủ quản mạng Sfone công bố chính thức mở rộng vùng phủ sóng dịch vụ 3G-EVDO cho mạng di động S-Fone, nâng tổng số tỉnh thành phủ sóng dịch vụ 3G-EVDO trên cả nước của S-Fone lên 37 tỉnh thành.
Theo Sfone, việc mở rộng vùng phủ sóng 3G-EVDO đồng nghĩa với chất lượng mạng được nâng cao hơn, ổn định đường truyền, giúp cho người sử dụng thuận tiện hơn nữa trong việc kết nối thông tin cũng như sử dụng các dịch vụ GTGT, đặc biệt là các dịch vụ 3G của mạng.
Với những thành công mới trong đàm phán hợp tác kinh doanh, từ nay đến cuối năm 2010, Sfone sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp dịch vụ 3G-EVDO từ Rev0 lên RevA/B để đảm bảo phát triển tốt các dịch vụ 3G và định hướng phát triển hội tụ 4G trong tương lai. Sfone cũng có các kế hoạch nghiên cứu triển khai nhiều dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến theo chuẩn 3G trên nền công nghệ EVDO.
Tuy nhiên, với tương quan giữa công nghệ 3G/GSM và CDMA hiện nay, vẫn nhiều người lo ngại cho tương lai một cánh cửa hẹp của CDMA. Câu hỏi đặt ra, Sfone sẽ làm gì để thay đổi được tình thế?
Theo www.vnmedia.vn