|
Việc xây dựng các cổng nội dung đem lại lợi ích cho cả 3 bên: khách hàng, nhà mạng, các CP. |
Nội dung cho di động vẫn nghèo nàn
Theo nhận định của các chuyên gia, lĩnh vực công nghiệp nội dung của Việt Nam đầy cơ hội tiềm năng khi mà số thuê bao di động đang ở mức cao hơn cả số dân Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, thị trường này đang có một nghịch lý là dịch vụ nội dung rất nghèo nàn. Thực tế hiện nay, nội dung cung cấp cho các thuê bao di động rất đơn giản, chủ yếu thông qua SMS để tải hình, nhạc chuông, tin nhắn trúng thưởng, tư vấn tâm lý… Dù nội dung đơn giản nhưng giá rẻ nhất là 3.000 đồng /nội dung, còn cao nhất là 15.000 đồng/nội dung. Chưa kể, người dùng còn phải trả thêm phí kết nối GPRS cho nhà mạng. Thông thường với những nội dung này, nhà mạng duy trì mức ăn chia 70% thuộc về nhà mạng. Một CP (xin giấu tên) cho biết, với cách ăn chia như vậy thì các CP sẽ không thể đầu tư vào phát triển nội dung được, thậm chí họ có thể phải “phòng thủ” để làm sao nhà mạng không “chôm” được ý tưởng và phát triển dịch vụ mà mình cung cấp. Như vậy, dịch vụ nội dung Việt Nam cứ rơi vào vòng luẩn quẩn khiến cả CP, khách hàng và nhà mạng đều bị thiệt.
Theo thống kê của Câu lạc bộ CP, năm 2009 có khoảng 150 CP đang hoạt động, có khoảng 1/3 trong tình trạng “sống dở, chết dở”. Trong cảnh “đói ăn vụng, túng làm liều”, không có tiền quảng cáo dịch vụ, đã có thời gian các CP ồ ạt quảng cáo dịch vụ của mình bằng tin nhắn rác khiến khách hàng chịu trận. Các CP đã đổ lỗi là họ buộc phải làm như vậy khi nhà mạng đã “ăn” hết miếng bánh, khiến họ phải bấm bụng gửi SMS thậm chí là lừa đảo đến khách hàng mong có chút lợi nhuận.
Năm ngoái, Câu lạc bộ các CP đã buộc phải cầu cứu lên cơ quan quản lý nhà nước và giới truyền thông để nhà mạng có thể có cơ chế hợp tác cho CP “dễ thở” hơn chứ không thể triển khai đơn phương một cách áp đặt của nhà mạng.
Nội dung số sẽ sang trang mới
Sự thành công ngoài tưởng tượng của mô hình kho ứng dụng App Store của Apple đã tác động rất mạnh đến mô hình kinh doanh dịch vụ nội dung tại Việt Nam. Các mạng di động thay vì hợp tác theo mô hình cũ đã nhanh chóng chuyển sang xây dựng wapsite giống như những siêu thị nội dung để các CP là người bán hàng cho khách hàng. Việc lựa chọn, dùng thử dịch vụ sẽ do khách hàng quyết định còn nhà mạng sẽ đóng vai trò làm nền tảng hạ tầng cho CP cung cấp dịch vụ. Mô hình này có ưu điểm là giải quyết được nghịch lý mà CP và nhà mạng đang gặp phải đồng thời khách hàng được sử dụng dịch vụ có chất lượng và nội dung được kiểm duyệt tốt.
Mới đây, Viettel chính thức ra mắt cổng nội dung I-Web, nơi tổng hợp thông tin, giải trí, mạng xã hội, tìm kiếm... trực tuyến cho người dùng di động. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một wapsite cung cấp đầy đủ các thông tin và dịch vụ trên Internet cho người dùng di động. Hiện nay, I-Web đã kết nối với gần 40 trang khác nhau và trong tương lai Viettel sẽ tăng số lượng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với cổng nội dung I-Web, khách hàng có thể đọc tin tức, mua game, nhạc, đọc/nghe truyện, đọc/nghe 1 cuốn sách, kết nối với bạn bè...qua điện thoại di động một cách đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với cách dùng tin nhắn SMS thông thường. Khách hàng không phải nhớ địa chỉ wapsite, mã số dịch vụ, đầu số nhắn tin, cú pháp nhắn tin...
Hơn nữa, khách hàng có thể xem trước thông tin, dùng thử dịch vụ và thậm chí còn được lựa chọn và tải miễn phí nhiều nội dung khác nhau tại I-Web. Các nội dung đều được Viettel kiểm duyệt trước khi cung cấp cho khách hàng. Đặc biệt, giao diện của các wapsite tại I-Web được thiết kế tương thích với kích thước màn hình của hầu hết các loại điện thoại di động hiện nay. Viettel hiện đã thành công với một số mô hình kinh doanh nhạc chuông và nhạc chờ Imuzik, cổng Game Upro. Với cổng nội dung I-Web, Viettel tin rằng đây cũng sẽ là 1 chiến lược kinh doanh dài hạn đem lại lợi ích cho cả 3 bên: khách hàng, Viettel, các CP.
Tuy không phải là nhà cung cấp dịch vụ, nhưng khi tung ra điện thoại di động FPT cũng đưa ra mô hình kho ứng dụng F-store do Công ty Sản phẩm Công nghệ FPT lập ra. Đây là một nền tảng mở, nên mọi nhà phát triển, cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều có thể phát triển ứng dụng cho kho ứng dụng này. Hiện nay FPT đã liên lạc với một số nhà cung cấp nội dung để làm phong phú thêm kho ứng dụng F-store.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CP cho biết, mô hình này cũng giống như các mô hình trên thế giới mà điển hình là App Store. Khi Viettel mở cổng thông tin nội dung lớn này cho các CP tham gia cung cấp dịch vụ, khách hàng sẽ vào những cổng thông tin này để chọn lựa những dịch vụ nội dung phù hợp. Điều này sẽ có thuận lợi cho CP chào bán dịch vụ của mình sẽ làm cho các CP sáng tạo nhiều dịch vụ hấp dẫn để bán cho khách hàng. Tuy nhiên, để kích thích các CP phát triển nội dung còn tuỳ thuộc vào yếu tố nữa là tỷ lệ ăn chia giữa CP và nhà mạng như thế nào để khuyến khích các CP tham gia vào đây.
“Tôi nghĩ rằng Viettel xây dựng cổng thông tin này họ cũng đã tính đến các yếu tố mở ra hợp tác để làm sao kích thích các CP sáng tạo nhiều dịch vụ nội dung để cung cấp tại đây thì mới thành công được” ông Hà nói.
Một vấn đề bức xúc đặt ra là phải tìm mô hình kinh doanh mới để có lợi cho cả 3 bên là CP, nhà mạng và khách hàng để phát triển lịch vực nội dung số.
Theo www.ictnews.vn