Theo Đề án này, đến năm 2020 tỷ trọng CNTT-TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10 %; tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên.
Cơ sở hiện thực hóa Đề án này gồm các vấn đề: nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập tin học, ứng dụng CNTT, xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường CNTT-TT.
Về nguồn nhân lực CNTT, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2015 có 30% sinh viên CNTT-TT tốt nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu để tham gia thị trường lao động quốc tế và sẽ tăng lên 80% vào năm 2020; tỷ lệ người dân sử dụng Internet sẽ tăng từ 50% (năm 2015) lên trên 70% (vào năm 2020).
Về phát triển công nghiệp CNTT, đến năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam nằm trong top 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số...
Ở lĩnh vực viễn thông, theo Đề án này Việc Nam sẽ hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư và nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của ITU ( nhóm 1/3 nước dẫn đầu) vào năm 2020.
Đề án cũng đưa ra lộ trình đến năm 2015, người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến; bước đầu ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng...
Sang đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao nhất; 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Chính phủ điện tử Việt Nam sẽ thuộc loại khá trên thế giới, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử…
Theo www.dantri.com.vn