Quan điểm trên của Thứ trưởng Trần Đức Lai được ông đưa ra tại Hội nghị thương mại công nghệ diễn ra ở TP HCM sáng 13/10, nhận được nhiều sự đồng tình. Khẳng định bản chất của game online và trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông, Thứ trưởng còn cho biết công nghiệp nội dung số đang là một trong những mũi nhọn của ngành công nghệ Việt Nam.
"Hiện có những cách hiểu chưa đúng, đầy đủ về game online, chúng ta phải làm sao để xã hội có nhận thức một cách thống nhất. Game online vẫn mang đến những mặt tích cực như khi tiếp cận, các cháu sẽ phát triển độ nhanh nhạy của chính bản thân", Thứ trưởng Lai mở đầu khi được hỏi về vấn đề này tại hội nghị.
Theo ông Lai, game chỉ tác hại nếu các em chơi quá đà, thâu đêm suốt sáng ảnh hưởng đến sức khỏe và các công việc khác. Điều này thì các nhà sản xuất hay phát hành game không thể giải quyết được.
|
Các bộ, ngành, xã hội, gia đình phải cùng phối hợp để quản lý game online. Ảnh: V.H. |
"Các bộ, ngành, xã hội, gia đình phải cùng phối hợp, như vậy chắc chắn trong thời gian tới xã hội sẽ có nhận thức đầy đủ, đồng bộ hơn. Mặt khác các nhà làm nội dung game cũng phải nghĩ cách điều chỉnh để cho phù hợp hơn, thu hút hơn và tốt hơn sẽ đẩy lùi được những bất cập", ông Lai nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Arthur Trueger, nhà sáng lập và chủ tịch Berkeley International Capital Corp., cho biết game đang trở thành một ngành quan trọng có tiềm năng lớn. Thái độ "định kiến" của mọi người, trong đó có cha mẹ sẽ dần thay đổi và hiểu tốt hơn. "Tôi nghĩ, Chính phủ phải như cha mẹ, phụ huynh trong lĩnh vực này", ông Arthur Trueger phân tích.
Về khía cạnh này, ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam, cho rằng chính sách quản lý game phải đạt được sự cân bằng, không nên đưa ra chính sách dựa vào phản ứng của dư luận xã hội mà phải có sự điều phối.
Bên cạnh các quan điểm về game online, đại diện Bộ Thông tin Truyền thông cho biết công nghiệp nội dung số (game online là một phần trong đó) sẽ là một mũi nhọn và có cơ hội phát triển rất lớn ở Việt Nam. "Trong 2-3 năm qua, các doanh nghiệp đầu tư vào nội dung số mang lại doanh thu và sản lượng tăng rất cao", đại diện Bộ thông báo.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã xây dựng đề án Đưa Việt Nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó, trong 10 năm tới phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong 10 quốc gia dẫn đầu về cung cấp phần mềm và công nghiệp nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin.
Đề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển được nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chất lượng quốc tế, tổng số nhân lực ngành này phải đạt một triệu người, tỷ lệ dân sử dụng Internet đạt 70%. Mười năm sau, tất cả hộ gia đình có hệ thống nghe hoặc xem, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư.
Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu ấy, theo các lãnh đạo hai bộ Khoa học Công nghệ và Thông tin Truyền thông, điều cần làm lúc này là phát triển nguồn nhân lực đạt trình độ cao.
"Chất lượng nguồn nhân lực công nghệ hiện nay của chúng ta rất thấp dù có ưu thế để phát triển, nên vấn đề quan trọng hiện nay là phải đào tạo", Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Văn Lạng nêu vấn đề.
Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông thì thừa nhận về mặt chiến lược đã cử người đi nước ngoài học và phải về phục vụ đất nước, nhưng chủ trương này hiện nay chưa được thực hiện nghiêm túc. "Có thể thấy, nguồn lực công nghệ của ta hiện còn yếu về trình độ Anh ngữ và kỹ năng. Còn nếu muốn thu hút nhân tài thì phải ít nhất trả lương bằng hoặc cao hơn mức mà họ nhận được nếu làm việc ở nước ngoài", ông Lai nói.
Theo www.vnexpress.net