|
Phó tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu sản phẩm viễn thông do Viettel tự sản xuất cho Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp. |
Tính đến giữa năm 2010, 75% số xã phường trên cả nước có sóng 3G của Viettel với gần 14.000 trạm phát sóng, gần bằng số trạm mà Viettel cam kết sẽ có sau 3 năm khai trương dịch vụ 3G (là 15.000 trạm). Theo kế hoạch, luỹ kế đến hết năm 2010, 90% số xã trên toàn quốc sẽ có trạm phát sóng 3G Viettel với 20.000 trạm. Mục tiêu của Viettel là sóng 3G sẽ có vùng phủ tương đương mạng 2G, phủ tới 98% dân số và 95% diện tích trên đất liền.
Nhưng con đường đi đến những thành công này không hề bằng phẳng, đặc biệt là một doanh nghiệp có xuất phát điểm rất thấp như Viettel. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện nhớ lại, vào năm 2000 Viettel là doanh nghiệp nhỏ bé với số vốn 2,3 tỷ đồng và gần 100 cán bộ làm việc trong một dãy nhà cấp 4 tại phố Giang Văn Minh.
Nhận thấy các doanh nghiệp mới rất khó khăn, Tổng cục Bưu điện đã quyết định cho mở cạnh tranh dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế bằng công nghệ VoIP (Voice Over Internet Protocol – điện thoại qua giao thức Internet) với vốn đầu tư ít và doanh thu tăng nhanh. Ngày 3/2/2000, Tổng cục Bưu điện cấp phép cho Viettel làm thí điểm VoIP và đến ngày 15/10/2000, Viettel chính thức mở dịch vụ 178 kinh doanh điện thoại đường dài giữa Hà Nội - TP.HCM và sau đó đi các tỉnh.
Ông Mai Liêm Trực cho biết, khi quyết định chọn Viettel với dịch vụ VoIP làm đột phá để thực hiện việc mở cửa thị trường viễn thông, phía VNPT cũng có những phản ứng nhất định. “Tôi không băn khoăn gì khi ký cho Viettel làm VoIP vì mình làm đúng luật, đúng chủ trương chung của Nhà nước và có bàn bạc trong tập thể lãnh đạo Tổng cục cũng như ý kiến của các vụ chức năng. Mặc dù công nghệ VoIP thời kỳ đầu chất lượng chưa thật tốt song tôi tin rằng dịch vụ này sẽ thành công vì người Việt Nam còn nghèo, chỉ cần Tổng cục quy định giá cước VoIP thấp là dân sử dụng” ông Mai Liêm Trực nói.
Theo thống kê của Viettel, sau 10 năm bước chân vào thị trường viễn thông, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng kỷ lục, đạt gần 20.000 lần, giá trị tài sản cố định tăng khoảng 22.000 lần. Hiện Viettel đang tập trung vào chiến lược đầu tư nước ngoài thể hiện qua các dự án đầu tư vào mạng di động tại Lào, Campuchia, Haiti và đang chuẩn bị đầu tư sang một số thị trường mới. Mục tiêu của Viettel là đến năm 2015 sẽ có thị trường quy mô 300 – 500 triệu dân.
Nếu đạt được con số này, Viettel sẽ đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 – 5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Viettel cũng đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 15 tỷ USD vào năm 2015 và 30 tỷ USD vào năm 2020. Viettel cũng khẳng định tập đoàn này sẽ tập trung mạnh cho nghiên cứu phát triển và đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp CNTT.
Trước những thành công của Viettel ngay hôm nay, ông Mai Liêm Trực cho rằng Viettel là một “hiện tượng” và là minh chứng cho chính sách mở cửa thị trường của Viễn thông Việt Nam.
Theo www.ictnews.vn