|
Internet băng rộng di động 3G đang hội tụ đủ các điều kiện để bùng nổ. |
Tại Tọa đàm "Viễn thông - Internet Việt Nam 10 năm triển khai Chỉ thị 58" do Báo Bưu điện Việt Nam tổ chức diễn ra sáng nay, các chuyên gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông có chung nhận định công nghệ Internet băng rộng ADSL ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn thoái trào để nhường chỗ cho những công nghệ băng rộng mới như cáp quang và đặc biệt là 3G và tới đây là 4G.
Theo ông Trần Bá Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, tiền đề phát triển tốt với công nghệ băng rộng ADSL là mạng điện thoại cố định. Vì vậy, khi điện thoại cố định ở Việt Nam bước vào thoái trào thì ADSL cũng bị ảnh hưởng theo. Thực tế ở thị trường ADSL đã chứng minh điều này. Đến nay, VNPT với lợi thế về hạ tầng điện thoại cố định đang độc chiếm hơn 70% thị phần ADSL của cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Thái, vòng đời công nghệ ADSL đã sắp hết để nhường chỗ các công nghệ mới hơn như cáp quang (hiện đầu tư rẻ như dây đồng) và băng rộng di động không dây như Wimax, 3G và LTE.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng các công nghệ băng rộng di động đang có những lợi thế hơn hẳn so với ADSL về độ phủ cũng như chi phí đầu tư.
Với 3,5 triệu thuê bao Internet băng rộng và có mật độ khoảng 4%, thị trường Internet đến nay vẫn chưa thể nói là phát triển bùng nổ. "Nếu muốn thị trường Internet phát triển bùng nổ phải đạt được các điều kiện về vùng phủ sóng rộng khắp, giá cước thấp, thiết bị đầu cuối rẻ và kênh bán hàng rộng", ông Hùng nói.
Về vùng phủ sóng, ông Hùng cho biết đầu tư cho một thuê bao băng rộng di động trung bình chỉ khoảng 50 USD trong khi đó với ADSL là 150-200 USD. Với mức đầu tư này, các nhà cung cấp dịch vụ Internet ADSL rất khó có thể phủ rộng khắp cả nước. Trong khi đó với 3G, Viettel hiện đã phủ sóng rộng khắp cả nước với hơn 20.000 trạm thu phát sóng và sắp tới sẽ còn tăng nữa.
Về cước phí, ông Hùng ước tính để phổ cập được dịch vụ Internet băng rộng ở Việt Nam thì giá cước trung bình phải ở mức 80.000 đồng/tháng, một mức giá quá thấp so với mức cước ADSL khoảng 200.000 đồng/tháng hiện nay. Trong khi đó, giá băng thông đi quốc tế hiện nay đã tạo điều kiện cho các nhà mạng 3G có thể cung cấp dịch vụ với giá cước 30.000 đồng/tháng đến các hộ gia đình. Thực tế, Viettel hiện có gói cước chỉ có 30.000 đồng là có thể sử dụng được Internet băng rộng di động.
Bên cạnh vùng phủ và giá cước, ông Hùng cho rằng một điều kiện nữa để phổ cập Internet băng rộng là giá thiết bị đầu cuối ở mức 50 USD với thiết bị di động và 100 USD với máy tính. Theo ông Hùng, điều kiện này hiện chưa đạt được nhưng Viettel đang có triển khai kế hoạch sản xuất máy tính với giá 150 USD và dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6/2011. "Nếu có đủ nguồn lực và không bị cạnh tranh quá mạnh, Viettel dự kiến sẽ chỉ bán máy tính này với giá 100 USD cho các thuê bao", ông Hùng tiết lộ.
Ngoài ra, một điều kiện nữa để mở rộng phổ cập dịch vụ là hệ thống bán hàng rộng khắp. Đây là điểm mà các nhà mạng 3G có lợi thế hơn. Ví dụ với Viettel, nhà mạng này hiện có 100.000 điểm bán và 26.000 cộng tác viên để giải bài toán đưa dịch vụ đến từng hộ gia đình.
Ông Hùng cũng cho rằng hầu hết các điều kiện cơ bản để bùng nổ Internet băng di động đã được đáp ứng, chỉ trừ mỗi điều kiện chưa làm được là có máy tính với giá 100 USD. Tuy nhiên, với nỗ lực của doanh nghiệp và có sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, ông Hùng tin rằng Internet băng rộng sẽ bùng nổ trong thời gian tới với khoảng 60% hộ gia đình sử dụng Internet băng rộng vào năm 2015, tỷ lệ tương đương với các nước phát triển ở lĩnh vực này.
Theo www.ictnews.vn