Chỉ còn “cái mác dán”
Từ những năm 1990, dưới “tán cây bảo hộ”, ngành điện tử Việt Nam có những bước tiến được khá nhiều người tung hô là… phát triển vượt bậc. Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), ngành điện tử Việt Nam khi đó có tốc độ tăng trưởng 20% - 30%/năm; xuất khẩu sang 35 nước; kim ngạch xuất khẩu luôn tăng: năm 1996 đạt 90 triệu USD, năm 2005 đạt 1,5 tỷ USD. Trong 9 tháng 2006, doanh thu nội địa của ngành điện tử Việt Nam đã đạt được 1,3 tỷ USD…
Ngày nay ngồi nhìn lại “lịch sử”, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành này thở dài: Những “tên tuổi” như Viettronic Tân Bình (VTB), Điện tử Biên Hòa (Belco), Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel)… đã không còn thể hiện được sức mạnh của mình tại thị trường nội địa dù một thời từng giữ vị trí đầu tàu của ngành được trao nhiều ưu đãi. Chính vì thế, những sản phẩm từng là thế mạnh trên thị trường như tivi CRT (màn hình gương), đầu karaoke, đầu DVD, loa, ampli mang nhãn hiệu Belco, VTB, Hanel… nay phải dạt về các vùng xa ở Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, An Giang, Lai Châu, Điện Biên… với số lượng khá khiêm tốn.
Không e dè như người khác, ông Dương Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Thủ Đức, thẳng thắn: “Tôi cho rằng ngành điện tử Việt Nam hiện nay là... con số không”. Thực tế, các nhà lắp ráp điện tử trong nước hiện sản xuất theo quy trình: Nhập linh kiện từ Trung Quốc rồi lắp ráp thành nguyên chiếc, dán mác của doanh nghiệp vào là xong”.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam với đa số ở quy mô nhỏ và vừa nên gặp nhiều hạn chế trong hoạt động. Công suất lắp ráp vài ngàn sản phẩm/năm, với số lượng nhân công không quá 500 người/doanh nghiệp và cũng không xác định sản phẩm chủ lực nên… cái gì cũng làm nhưng không làm ra cái gì xứng đáng để rốt cuộc không cái gì ra cái gì.
Song song đó, ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện cũng phát triển chậm, không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước, nên hàm lượng lao động Việt Nam trong các sản phẩm điện tử bình quân chỉ khoảng 5% - 10% giá trị sản phẩm… và như thế cũng dễ hiểu khi chúng ta không có sản phẩm “Made in Vietnam” đúng nghĩa.
Cầm cự bằng... ngành địa ốc!
Hiện nay, VTB đã có nhà máy sản xuất hàng điện lạnh có tổng vốn đầu tư 6,6 triệu USD với công suất 70.000 sản phẩm/năm ( tủ lạnh mang thương hiệu VTB ). Từ năm 2010 trở đi sẽ sản xuất các sản phẩm máy lạnh và máy giặt.
Còn theo Giám đốc Belco Đỗ Khoa Tân, công ty đang tập trung khai thác những mặt hàng như máy tính để bàn, ampli, loa… mà đối tượng mua sắm là những người có thu nhập thấp, tại các vùng trung du miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ…
Hiện tại, Hanel là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới nhất, với những mặt hàng quen thuộc như tivi CRT, đầu DVD, giờ là tivi LCD, máy lạnh, máy giặt, đầu thu truyền hình số… nhưng số lượng mẫu mã không nhiều, ít xuất hiện tại các siêu thị điện máy lớn.
Ông Dương Minh cho rằng, các doanh nghiệp điện tử đang tìm lối thoát bằng những sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Nhiều tên tuổi như điện tử Bình Hòa, Viettronic Thủ Đức nhiều năm qua đã chuyển sang gia công sản phẩm, hợp tác sản xuất với các đơn vị nước ngoài. Vì đang trong thời kỳ “quá độ” nên các doanh nghiệp điện tử hiện nay phải sao nhãng kinh doanh những mặt hàng truyền thống để chuyển sang kinh doanh những mặt hàng, dịch vụ có lãi cao hơn như: phân phối, kinh doanh địa ốc, tham gia sàn giao dịch chứng khoán…
Ông Ngô Văn Vị, Tổng Giám đốc Viettronic Tân Bình, chia sẻ, VTB đang có kế hoạch đầu tư địa ốc trên đường Phạm Văn Hai ( Tân Bình, TPHCM ), nhưng hiện chưa thực hiện bởi kinh doanh văn phòng cho thuê tại Việt Nam đang chững lại. Theo nhiều người trong ngành, dự án này được VTB đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, lớn gấp nhiều lần số vốn đầu tư vào sản xuất đã đề cập ở phần trên. Trong khi đó, Belco từ lâu được biết đến như chủ sở hữu tòa nhà 97 Nguyễn Thị Minh Khai ( quận 1, TPHCM ) đang cho S-Fone thuê…
Đa phần các công ty điện tử là công ty cổ phần nên việc mở rộng hướng làm ăn theo kiểu đa ngành đa nghề để công ty tồn tại là điều tất nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa ngành này đang mất dần hướng phát triển gắn liền với ngành nghề vốn có của nó.
Nói điều này vì nhìn sang các nước châu Á mới thấy cách họ kiên trì “nội địa hóa” thành công thế nào. Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã tập trung nghiên cứu, học hỏi những tiến bộ công nghệ thế giới để phát triển thương hiệu nội địa, trở thành cường quốc số 1 về điện tử với Sony, JVC, Toshiba, Nec… Ngành điện tử Hàn Quốc được chính phủ đầu tư mạnh mẽ, đã tạo ra những thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung, LG… Trung Quốc chịu trở thành “đại công trường của thế giới”, ai “đặt gì làm nấy” rồi âm thầm tạo dựng thương hiệu lớn.
Như vậy với Việt Nam, nếu “còn yêu” thì nhất thiết phải chọn hướng đi phù hợp, còn không thì xóa bỏ ngành nghề này chứ không nên để doanh nghiệp “tự bơi” rồi “sống chết mặc bay” như hiện nay.
Bá Tân - Kiên Giang