|
Phương thức cạnh tranh bền vững nhất chính là lợi nhuận chứ không phải doanh thu. Ảnh: THANH HẢI |
Viettel “đi sau về trước”
Năm 2010, Viettel đặt ra mục tiêu đạt 100.000 tỷ doanh thu và VNPT cũng điều chỉnh kế hoạch để đạt mục tiêu này. Kết thúc năm 2010, VNPT tuyên bố cán đích con số doanh thu khoảng 101.569 tỷ đồng. Với con số này, VNPT đã đăng đàn khẳng định là doanh nghiệp viễn thông duy nhất cán đích con số trên 100.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2010. Trong khi đó, Viettel mới đạt doanh thu trên 90.000 tỷ đồng. Cho dù Viettel không phải là người cán đích con số 100.000 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này lại đạt chỉ số quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp - đó là lợi nhuận. Viettel cho biết, năm 2010 doanh nghiệp này đạt lợi nhuận cao với 15.500 tỷ đồng. Với kết quả này, Viettel khẳng định mình đang là đơn vị dẫn đầu về tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận trong ngành viễn thông.
Nếu so về lợi nhuận với Viettel, VNPT dường như trở thành người “đi trước về sau”. Năm 2010, VNPT đạt tổng doanh thu là 101.569 tỷ đồng (nhiều hơn Viettel khoảng 10.000 tỷ đồng), nhưng lại chỉ đạt lợi nhuận là 11.200 tỷ đồng (ít hơn Viettel 4.300 tỷ đồng). Trong khi doanh thu của VNPT tăng trưởng tới 27,05% thì lợi nhuận chỉ tăng có 4,32% so với năm 2009, trong khi đó Viettel có tỷ suất lợi nhuận tăng đến 52%. Như vậy, có thể thấy VNPT vẫn có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu tốt, nhưng tỷ lệ lợi nhuận lại tăng quá thấp. VNPT vẫn đang “thắng” Viettel ở con số doanh thu, nhưng lại “thua” Viettel ở con số lợi nhuận.
Đọ năng suất lao động VNPT – Viettel
Có thể nói, việc đọ năng suất lao động giữa VNPT và Viettel ở một chừng mực nào đó là không công bằng bởi VNPT là doanh nghiệp lâu năm và vẫn nặng nề về “nợ nần quá khứ”, trong khi đó, Viettel là doanh nghiệp trẻ, năng động hơn. Tuy nhiên, những con số về năng suất lao động của các bên cũng sẽ phản ánh rõ nét bức tranh lợi nhuận của hai đại gia này.
Nếu tách ra từng đơn vị riêng lẻ, MobiFone vẫn là niềm tự hào của VNPT bởi đây là đơn vị có doanh thu và lợi nhuận tốt nhất trong ngành viễn thông. Bình quân năng suất lao động của MobiFone trên doanh thu đạt khoảng 6,5 tỷ đồng/người/năm. MobiFone hiện đang chiếm tới khoảng 50% lợi nhuận của VNPT. Thế nhưng, nếu tính chung của hai tập đoàn VNPT và Viettel, thì Viettel lại là đơn vị tiếp tục bỏ xa VNPT về con số năng suất lao động. Năm 2010, năng suất lao động tính trên doanh thu của VNPT đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/người/năm thì con số này của Viettel là gần 3,96 tỷ đồng/người/năm.
2011: Viettel bỏ xa VNPT về lợi nhuận
Nhìn chung trong năm 2011, các doanh nghiệp viễn thông đặt ra các mục tiêu về lợi nhuận khá “dè dặt”. VNPT đặt ra con số lợi nhuận trong năm 2011 là 11.800 tỷ đồng, chỉ tăng có 5,36% so với năm 2010. Trong khi đó Viettel đặt ra mục tiêu đạt con số lợi nhuận khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu nhìn con số mục tiêu của hai tập đoàn này có thể thấy năm 2011, Viettel sẽ vượt VNPT khoảng 6.800 tỷ đồng lợi nhuận.
Giới phân tích cho rằng, trong năm 2011, VNPT có thể sẽ tìm cách không để Viettel “qua mặt” về doanh thu, nhưng tập đoàn này đã “hết cửa” đứng trên Viettel về lợi nhuận vì Viettel đã giữ con số lợi nhuận quá xa VNPT. Nếu các doanh nghiệp nhà nước cứ “say máu” về con số doanh thu rất có thể sẽ dẫn đến hệ quả là con số lợi nhuận bị giảm. Vì vậy, nếu thực sự doanh nghiệp thấy lợi nhuận mang ý nghĩa sống còn thì doanh thu cũng không mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy, thay vào cuộc chạy đua về doanh thu thì các doanh nghiệp viễn thông nên chạy theo cuộc đua lợi nhuận.
Cuối năm 2010, Giáo sư Michael Porter - chuyên gia hàng đầu về chiến lược cạnh tranh ở trường Đại học Harvard (Mỹ) lần đầu tiên công bố báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam dựa trên các số liệu bằng chứng khách quan và cũng đóng vai trò tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Giáo sư Michael Porter cho rằng, nhiều lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam gặp khó khăn khi các doanh nghiệp cố gắng cạnh tranh bằng những cách giống nhau, cạnh tranh về giá. Theo Giáo sư Porter, các doanh nghiệp cạnh tranh bền vững nhất chính là lợi nhuận chứ không phải doanh thu.
Theo www.ictnews.vn