Nghị định 25/2011/NĐ-CP đã quy định: “Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông - do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định” (điều 3, khoản 1).
Không còn nhiều lựa chọn
Theo điều chỉnh của Nghị định 25, VNPT buộc phải tìm cách xử lý nào đó để không còn nắm 20% vốn điều lệ/cổ phần tại một trong hai “đứa con” là MobiFone và VinaPhone mà VNPT đang sở hữu 100% vốn. Như vậy, về lý thuyết chỉ có hai con đường: Một là VNPT sáp nhập 2 thành 1. Hai là thoái vốn tại MobiFone hoặc VinaPhone xuống còn 20% trở xuống.
|
VNPT sáp nhập hai mạng di động hay thoái vốn tại MobiFone? Ảnh: P.K |
Theo các chuyên gia, nếu phải dùng đến xảo thuật này để đối phó, VNPT có thể sáp nhập 2 thành 1 với một thực chất là “tuy 1 mà 2”. Có nghĩa là chỉ sáp nhập trên danh nghĩa. Như vậy, có thể làm nhanh trước khi Nghị định 25 có hiệu lực. Tuy nhiên với cách làm này, nếu các cơ quan chức năng, Chính phủ làm nghiêm, thì VNPT có thể bị “bắt giò”.
Về hướng thứ hai, thoái vốn, thì tại MobiFone có khả năng lớn hơn. Vì nhà mạng này - thuộc Cty thông tin di động VMS - đã xúc tiến việc CPH từ mấy năm nay, Tập đoàn Credit Suisse (Thụy Sĩ) cũng đã định giá MobiFone trên 2 tỉ USD, trong khi VinaPhone chưa hề xúc tiến việc CPH. Trường hợp các Cty con của VNPT có được mua lại vốn điều lệ/cổ phần của MobiFone hay không không được quyđịnh trong Nghị định 25.
Điều này có thể sẽ phải chờ đến cấp thông tư quy định rõ hơn? Tuy nhiên, nếu câu chuyện CPH MobiFone diễn ra theo hướng này thì sẽ gặp phản ứng trong dư luận, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, hướng thoát đó thực chất cũng chỉ là chiêu xảo thuật, CPH trong nhà VNPT với nhau thì có thay đổi được gì?
Chậm, hay do cố níu giữ?
Chủ trương CPH MobiFone đã có từ năm 2005, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài, quá trình CPH DN này quá chậm chạp vì nguyên nhân chủ yếu là VNPT chưa muốn buông. Lần lữa các thông tin sẽ CPH MobiFone từ năm 2007, trôi dần sang 2008 - 2009 và đến 2010 thì thông tin về vấn đề này càng mờ mịt. Gần 6 năm ròng, nhưng VNPT chưa đưa ra được lộ trình cụ thể và khung thời gian để thực hiện việc CPH MobiFone.
Những nhà đầu tư lớn nước ngoài, như France Telecom (Pháp), Telenor (Đan Mạch), Vodafone (Anh), NTT DoCoMo (Nhật Bản), SingTel (Singapore)... đang sốt ruột “chầu chực”. Nhưng với tình thế mới, cũng chính họ là đối tượng đang vui mừng nhất. Cho nên nếu VNPT dùng các xảo thuật để níu giữ lại MobiFone, chắc chắn các tập đoàn hùng mạnh trên sẽ phản ứng. Cần nhớ rằng, thời gian qua Phòng Thương mại Châu Âu tại VN từng liên tục đưa ra kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ CPH MobiFone.
Những con số dưới đây có thể lý giải phần nào góc tối chậm chạp CPH MobiFone. Năm 2010, VNPT đạt doanh thu 101.569 tỉ đồng, thì trong đó MobiFone và VinaPhone đã chiếm đến hơn 63%. Lợi nhuận tập đoàn đạt 11.200 tỉ đồng, thì phần của MobiFone đã chiếm đến 52,32%. Năng suất lao động của VNPT năm 2010 chỉ đạt 1,1 tỉ đồng/người/năm (kém xa của Viettel là 3,96 tỉ đồng/người/năm) cũng đã phải nhờ rất nhiều vào MobiFone với năng suất đạt 6,5 tỉ đồng/người/năm. Mặt khác, trong khi lợi nhuận VNPT năm 2010 giảm so với 2009 (13.500 tỉ đồng) thì lợi nhuận của hai mạng di động vẫn tăng, điều đó cho thấy nhiều mảng khác của VNPT có sự suy giảm.
Qua đó có thể thấy, về cơ cấu MobiFone và VinaPhone là hai “con gà đẻ trứng vàng” hiện nay của VNPT. Còn về mặt ý nghĩa, MobiFone và VinaPhone chính là hai “rường cột” tạo nên sức mạnh “Tập đoàn VNPT” hiện nay. Nếu VNPT phải buông MobiFone, tập đoàn này sẽ nhanh chóng mất đi uy lực và khi ấy ngôi vị “tập đoàn CNTT-VT số 1 VN” nghiễm nhiên rơi vào tay Viettel.
Theo www.laodong.com.vn