|
Doanh nghiệp chưa tìm được “lối tiếp cận” để tham gia phương thức đầu tư PPP. Ảnh: Thanh Hải |
Cơ hội “bành trướng” thị phần
Không chỉ đem lại lợi ích cho khối cơ quan Nhà nước trong việc giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, PPP còn có thể giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng mạnh về thị phần.
Chia sẻ vấn đề này, ông Đỗ Huy Hoàng, Giám đốc Tiếp thị sản phẩm máy chủ và công cụ lập trình – Công ty Microsoft Việt Nam phân tích, chủ trương PPP rất phù hợp với mô hình phát triển đối tác của Microsoft, đó là tạo một hệ sinh thái cộng tác mà Microsoft cung cấp các nền tảng ứng dụng và kết hợp với các đối tác Việt trong việc triển khai hệ thống tích hợp để đáp ứng các nhu cầu giải pháp của khách hàng. PPP sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái cộng tác mới giúp các doanh nghiệp đối tác của Microsoft cũng như các khách hàng trong khối các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam cùng trưởng thành, phát triển.
Cụ thể, Microsoft và doanh nghiệp đối tác tận dụng được nhân lực và những ưu thế của khách hàng như nhân lực, vị trí địa lý... và sẽ giảm thiểu công việc cũng như chi phí. Còn khách hàng được lợi trong việc tiếp thu các công nghệ mới, có thể triển khai trên diện rộng theo vị trí địa lý, theo mô hình tổ chức, khắc phục sự cố ngay từ khi mới bắt đầu...
“Có thể nói, nhờ PPP, các doanh nghiệp như Microsoft sẽ dễ dàng triển khai, bành trướng sản phẩm, giải pháp của mình; làm giảm thiểu chi phí phát sinh của chính hãng tại Việt Nam”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Chưa thể tham gia
Khi được hỏi về kế hoạch tham gia PPP trong phát triển ứng dụng CNTT tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều thừa nhận “chưa rõ lắm”.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ toàn cầu ITPRO (ITPRO Global) cho biết, thời điểm hiện tại chưa có nhiều thông tin về hình thức PPP và doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội để thực hiện dự án PPP với các cơ quan nhà nước. Một phần do các cơ quan Nhà nước chưa có cơ chế cụ thể và doanh nghiệp còn quá ít kênh tiếp cận thông tin này. Nếu có kế hoạch và thông tin rõ ràng, doanh nghiệp sẵn sàng phản hồi, nghiên cứu kế hoạch và sẵn sàng đáp ứng.
Còn theo ông Hoàng, chưa triển khai được PPP là tình hình chung của nhiều lĩnh vực, dự án tại Việt Nam chứ không chỉ riêng các dự án CNTT-TT. Ngoài các lý do về thiếu cơ chế chính sách thì còn cần có sự tương đồng về tổ chức giữa các thành viên tham gia. Ngay cả các dự án giữa các doanh nghiệp nước ngoài với nhau cũng triển khai chậm do chưa tìm được tiếng nói chung.
Để có thể được tham gia PPP, thời gian qua, doanh nghiệp phải tự mày mò, nắm bắt các cơ hội và tìm cách tiếp cận các chủ đầu tư là cơ quan Nhà nước. Đơn cử như FPT, một “đại gia” đã có thâm niên 15 năm hợp tác triển khai các dự án CNTT-TT với các cơ qua Nhà nước, và đang hiện thực hóa chiến lược tham gia PPP của Tập đoàn.
“Sau khi Quyết định số 71/TTg về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được công bố trên website của Chính phủ, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu các cơ hội PPP. Dựa theo Quyết định 71 thì thấy Việt Nam hiện có rất nhiều dịch vụ công có thể đầu tư PPP được, ví dụ như hải quan, thuế, hộ chiếu điện tử, thẻ công dân điện tử…
T uy nhiên, quan điểm lựa chọn dự án để triển khai PPP của FPT là ưu tiên những khách hàng (cơ quan Bộ, ngành) có sự áp lực trong giao dịch hợp tác quốc tế bởi khả năng triển khai sẽ nhanh chóng hơn”, ông Trần Thế Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FSE-FPT chia sẻ.
Ông Hiển đồng tình quan điểm cho rằng PPP tại thời điểm này còn “vấp” phải nhiều khó khăn, cản trở. Trước hết là các cơ quan Nhà nước chỉ mới hình dung ra vấn đề, cần có thêm một quá trình để nhận thức và thay đổi. Khó khăn thứ hai, khi triển khai một dịch vụ PPP sẽ thay đổi khá lớn quy trình nghiệp vụ hiện tại đang áp dụng theo thủ công hoặc bán thủ công, và vì tư lợi mà nhiều khi sự minh bạch hóa lại vẫn chưa được ủng hộ.
Được biết, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm đầu mối để triển khai PPP. Trong tương lai sẽ có những quy định cụ thể, những văn bản có tính chất pháp lý để đưa PPP vào cuộc sống.
“Dù vậy, hiện giờ doanh nghiệp phải bắt tay vào làm để sau này, khi các Bộ, ngành lấy ý kiến về vấn đề PPP thì sẵn sàng tham gia góp ý từ góc độ nhà đầu tư để văn bản pháp lý sát với thực tế hơn”, ông Hiển đề xuất.
5 năm nữa PPP mới khởi sắc
Bước đầu, PPP được đánh giá chỉ là “sân” của các doanh nghiệp “đại gia” vì đòi hỏi đầu tư lớn. “Để tham gia PPP, doanh nghiệp phải đáp ứng 4 yếu tố: tiềm lực tài chính (ước tính mỗi hệ thống CNTT xây dựng theo phương thức PPP đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất 50 – 100 triệu USD trở lên, và triển khai trong thời gian dài); phải am hiểu nghiệp vụ, nhất là những nghiệp vụ đặc thù và hay thay đổi; phải có đủ nhân lực để triển khai; phải có quan hệ quốc tế tốt để cập nhật những giải pháp tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống CNTT”, ông Hiển phân tích.
Trong trường hợp dự án PPP hiện đại hóa dịch vụ công hải quan được Thủ tướng chấp thuận trong năm nay, dự kiến phải 5 năm tới, “thị trường” PPP trong phát triển ứng dụng CNTT-TT mới có thể “khởi sắc”.
Theo www.ictnews.vn