|
Thiếu nhân lực đủ trình độ, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để lấy được chứng chỉ CMMi. Ảnh: N.Đ |
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, năm 2010 tốc độ tăng trưởng của công nghiệp phần mềm đạt khoảng 30%, ngành nội dung số khoảng 60%. “Dù là tín hiệu đáng mừng, nhưng so với nhiều nước trong khu vực đây vẫn là kết quả khiêm tốn. Chính vì thế, việc sở hữu chứng chỉ như CMMi (Capability Intergration Model - chuẩn đánh giá về mức độ thuần thục trong quy trình sản xuất phần mềm do Viện Công nghiệp phần mềm của Mỹ phát triển - PV) sẽ giúp doanh nghiệp PM&NDS chuẩn hoá quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh...”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Trong khi chỉ còn hơn một năm nữa dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI” của Bộ TT&TT sẽ “khóa sổ”, theo đại diện Vụ CNTT (Bộ TT&TT), dự kiến đến hết năm 2011 cũng sẽ chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Châu – Giám đốc Dự án ECCI Group tại Việt Nam (đơn vị trực tiếp tư vấn, đào tạo cho các doanh nghiệp áp dụng chuẩn CMMi) nhận định: Khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp là họ không chọn được người có kinh nghiệm để triển khai; những doanh nghiệp có nhân lực lại không dành được nhiều thời gian cho triển khai dự án CMMi.
Bên cạnh đó, điều kiện bắt buộc là các doanh nghiệp phải có đủ số dự án đáp ứng điều kiện đặt ra để tham gia đánh giá (thường tối thiểu từ 3 dự án) nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được điều kiện này, khiến thời gian thực hiện áp dụng chuẩn CMMi phải kéo dài.
Chưa hết, các doanh nghiệp tham gia lấy chứng chỉ CMMi cũng đang chịu sức ép về thời gian khi Bộ TT&TT chỉ cho gần 2 năm để lấy chứng chỉ, trong khi nếu như không dựa vào dự án hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp có thể xin kéo dài thời gian để đạt đủ số lượng dự án theo quy định. Một số doanh nghiệp lại chưa nhận thức đúng đắn về CMMi, coi đây như là một chứng chỉ để… đánh bóng thương hiệu, “khoe” uy tín trước khách hàng.
Theo dự án hỗ trợ của Bộ TT&TT, mỗi doanh nghiệp PM&NDS được hỗ trợ 25.000 USD nhưng ông Châu cho rằng với mức hỗ trợ như vậy, thì Bộ TT&TT mới chỉ hỗ trợ được 50%. "Đó chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp dù muốn cũng chưa thể tham gia, chỉ có doanh nghiệp tiềm lực lớn mới “kham” nổi", ông Châu nhấn mạnh.
Theo www.ictnews.vn