Theo đó, giá trị vốn hóa của Apple đạt 317,6 tỷ USD, trong khi con số này của Microsoft là 201,6 tỷ USD và của Intel là 115,21 tỷ USD (tổng giá trị của hai công ty này đạt 316,8 tỷ USD).
Kết quả trên được trang MacDailyNews tính toán dựa trên những số liệu tài chính của Yahoo. Giá trị vốn hóa thị trường (Market capitalization) là giá trị toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành (outstanding share) của công ty. Mặc dù giá trị vốn hóa không phải trị giá thật của một công ty và sẽ liên tục thay đổi do nhiều yếu tố nhưng thông tin trên một lần nữa lại góp phần củng cố danh tiếng của Apple và tăng thêm phần lạc quan cho các nhà đầu tư dài hạn.
Giá trị cổ phiếu liên quan mật thiết đến những kỳ vọng của các nhà phân tích và giới đầu tư. Apple vốn nổi tiếng với truyền thống đánh bại những dự đoán của giới phân tích phố Wall, đôi khi rất đáng kể, trong khi đó Microsoft và Intel đều gặt hái được những kết quả về doanh thu và lợi nhuận tương đối sát với những kỳ vọng của thị trường. Do đó, dù đạt được con số lợi nhuận tương đối ổn định, hai công ty này sẽ ngay lập tức bị giới đầu tư chỉ trích gay gắt nếu gặp bất cứ sai lầm nào.
Tất nhiên, bộ đôi Microsoft và Intel vẫn đang sở hữu “miếng bánh” thị phần lớn nhất trên thị trường máy tính. Theo Gartner, trong quý 4/2010, Apple chỉ nắm được 7,4% thị trường máy tính cá nhân ở Mỹ tính theo doanh số bán ra. Phần lớn thị phần còn lại đang nằm trong tay Microsoft và Intel.
Dù không thể thống trị được thị trường PC truyền thống nhưng máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone của Apple đã đạt được tiến bộ to lớn trong việc biến ý tưởng đưa “máy tính cá nhân” vào một thiết bị được tích hợp cao, di động và không thể thiếu với nhiều người thành hiện thực. Đó là sự thay đổi hướng tới một môi trường máy tính di động hơn. Bản thân Microsoft cũng phải thừa nhận iPad và iPad 2 của Apple là “thủ phạm” chính khiến doanh số máy tính để bàn (PC) của hãng này lao dốc trong quý đầu tiên của năm 2011.Thành công của Apple gần như được đảm bảo để tiếp tục trong tương lai gần.
Theo www.dantri.com.vn