Cứ mỗi 2 năm, Apple lại trình làng một phiên bản mới của hệ điều hành Mac OS X. Sáu năm qua, ba phiên bản Macintosh ra đời đã mang đến những giá trị mới cho người dùng Mac nói riêng và người yêu công nghệ nói chung. Các tính năng Apple đưa vào hệ điều hành không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng của họ mà còn làm các đối thủ phải cải tiến bản thân mình để cạnh tranh, vô hình chung, Mac đang làm thay đổi đời sống của người dùng máy tính trên toàn cầu.
Ba điều cần biết về OS X 10.7 Lion
Đầu tiên, OS X Lion là phiên bản dễ sử dụng và linh hoạt nhất từ trước đến nay của hệ điều hành Mac. Giao diện mang những ưu điểm của iOS trên thiết bị di động, cùng vài nét được cho là vay mượn từ Windows - hệ điều hành được nhiều người dùng nhất trên toàn cầu - như cửa sổ toàn màn hình, thay đổi kích thước cửa sổ bằng cách kéo từ bất kì cạnh nào. Ngoài ra, Lion cũng có khả năng lưu và nạp lại ứng dụng sau khi bạn tắt máy.
Bộ iLife và iWork của Apple sau khi cập nhật sẽ có thêm tính năng tự động lưu. Tuy nhiên, Microsoft chưa đưa ra thông tin về thời gian cập nhật cho bộ Office trên nền Mac để tương thích với Lion, nhưng có lẽ người dùng phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, trong khi đó, việc cập nhật ứng dụng từ Adobe hay các nhà phát hành khác có vẻ sẽ nhanh hơn.
Thứ hai, OS X Lion là hệ điều hành mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Việc này có được nhờ vào các ứng dụng tích hợp, OS X 10.7 Lion cho phép người dùng thao tác ngay với các công việc thậm chí trước đây họ chưa từng thực hiện. Điều này khác xa với Windows 7, mỗi khi bắt đầu, bạn cần tải và cài đặt các ứng dụng của bên thứ 3 hoặc tải về từ Microsoft, ngay cả những ứng dụng thiết thân nhất như trình đọc PDF, ứng dụng email... Hơn nữa, với AirDrop, người dùng có thể chia sẻ tập tin sang các máy Mac ở gần, mà không cần cài đặt mạng nội bộ.
Một vấn đề làm đau đầu người dùng Windows đã được Mac giải quyết, khi chép thư mục vào vị trí tồn tại sẵn một thư mục khác có cùng tên, thay gì chỉ đơn giản chép đè lên (với tất cả nội dung bên trong nó) như ở Windows, Lion cho phép người dùng chép đè hoặc hợp nhất nội dung thư mục. Tương tự, trong trường hợp đó nhưng là với tập tin, Lion sẽ hỏi người dùng muốn sự tồn tại của cả hai phiên bản hay không, và nó thực hiện điều này với hộp thoại trực quan hơn nhiều thông điệp khó hiểu "Copy and Replace?" của Windows 7.
Thứ ba, sự nâng cấp lên phiên bản mới hoàn toàn kế thừa kinh nghiệm của người dùng với OS X 10.6 Snow Leopard. Chẳng hạn, tính năng cảm ứng đa điểm trong Lion được nâng cấp lên cấp độ cao hơn, nhưng hoàn toàn tương thích với phiên bản cũ, điều này có nghĩa là, bạn sử dụng cảm ứng đa điểm như thế nào trong OS X các phiên bản cũ, iPad, iPhone thì trong Lion bạn cũng thực hiện được những thao tác đó. Tính năng mới chỉ thêm vào chứ không loại bỏ cái cũ. Điều này không có được trên Windows, những thao tác đa điểm xuất hiện trong Windows 7 hoàn toàn xa lạ với người dùng của Microsoft.
Cách nâng cấp từ Snow Leopard lên Lion
Một điểm bất lợi cho người dùng quen với các ứng dụng Mac trên nền tảng PowerPC trước đây, phiên bản OS X 10.7 Lion sẽ không còn hỗ trợ Rosetta, nền tảng trung gian giúp các ứng dụng được viết cho kiến trúc cũ, PowerPC, chạy được trên kiến trúc của Intel, tuy nhiên có lẽ đây cũng không phải là vấn đề quá lớn vì Apple đã chuyển sang nền tảng Intel từ 2005 và hầu hết các ứng dụng trên PowerPC đã có phiên bản dành cho các máy Intel.
Nếu muốn nâng cấp lên phiên bản Lion, người dùng phải đang chạy phiên bản Snow Leopard được cập nhật đầy đủ, và phải tải Lion từ App Store. Sẽ không có phiên bản Lion đóng gói được bán ra như trước đây. Với một phần nhỏ người dùng sở hữu kết nối Internet tốc độ thấp, hoặc không đủ thời gian để chờ đợi tải về 4 GB dữ liệu, Apple cung cấp một giải pháp khác, đó là USB chứa bản cài đặt OS X 10.7 Lion với giá 69 USD, tuy nhiên phải đến tháng Tám mới có loại USB này.
Dễ hơn với người mới bắt đầu
Mục tiêu rõ ràng của Apple trong phiên bản Lion là tạo nên sự dễ dàng cho người mới làm quen với hệ máy Mac. Hai tính năng Mission Control và Launchpad là một bước đi dài trong nỗ lực đó.
Mission Control cung cấp cái nhìn toàn cảnh về những cửa sổ đang mở và những ứng dụng đang chạy trên Mac. Tính năng này thu nhỏ các cửa sổ đang chạy và nhóm các cửa sổ ở cùng 1 ứng dụng vào 1 cụm. Mission Control tương tự như tính năng Spaces trên phiên bản Snow Leopard nhưng nó cung cấp khả năng tìm kiếm dễ dàng hơn nhờ giao diện sáng sủa, rõ ràng và không cần thao tác với System Preferences.
Trong khi đó, với LaunchPad, việc tìm kiếm các ứng dụng lúc này không rườm rà như trên các phiên bản Mac OS X cũ. LaunchPad hiển thị dạng lưới các icon của ứng dụng, người dùng có thể mở, sắp xếp ứng dụng theo nhóm, thậm chí là gở cài đặt với vài thao tác đơn giản. Launchpad sẽ tự động cập nhật các ứng dụng mới cài đặt và thêm các trang mới khi trang cũ đã đầy. Người dùng có thể kéo thả biểu tượng ứng dụng vào một trang nào đó, thuận tiện nhất cho thao tác, để di chuyển giữa các trang có thể thực hiện bằng việc quét ngón tay lên Trackpad.
Các máy tính xách tay mới của Apple ra mắt đồng thời với Lion đều có thêm nút chức năng Launchpad để người dùng có thể truy cập dễ dàng tính năng này với chỉ một cú ấn.
Tuy nhiên, chính Launchpad cũng mang đến những phiền toái cho người dùng khi máy cài đặt các bộ ứng dụng có nhiều công cụ khác nhau cũng như các tiện ích phụ, chẳng hạn Microsoft Office và Adobe Creative Suite. Launchpad sẽ gom tất cả các ứng dụng có mặt trên máy, bạn không thể xóa biểu tượng của ứng dụng khỏi nó, trừ phi xóa luôn cả ứng dụng. Vì thế số trang sẽ rất nhiều, tạo nên một danh sách dài lê thê. Trong trường hợp đó, bạn nên "chữa cháy" bằng việc giấu chúng vào các trang thật sâu.
Theo www.ictnews.vn