|
Tại cuộc họp giao ban Bộ TT&TT sáng nay, 1/8/2011, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề nghị các cơ quan hữu quan phải nêu rõ với Chính phủ, Quốc hội định nghĩa về quảng cáo. Ảnh: X.B |
Chồng chéo quản lý
Hiện tại, hoạt động quản lý quảng cáo còn nhiều vướng mắc.
Như mới đây, sau khi phát hiện Công ty Happy Shopping bán hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí có cả hàng nhái và hàng nhập lậu, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra các đài truyền hình VTV, VTC, HTV… thì thấy nảy sinh bất cập.
Theo Pháp lệnh về quảng cáo, những sản phẩm dịch vụ y tế muốn quảng cáo trên truyền hình thì phải có giấy chứng nhận của Bộ Y tế. Kiểm tra thực tế thì thấy các kịch bản quảng cáo mà các đài truyền hình đưa ra đều được các sở y tế đóng dấu xác nhận phê duyệt chi tiết đến từng lời thoại. Thế nhưng từ lời thoại trên kịch bản tới tác động truyền thông khác nhau rất xa, có thể gây nhận thức sai lệch, gây tác động xấu tới cộng đồng dư luận. Vì vậy, Bộ TT&TT đã kiến nghị Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế kiểm tra nghiêm ngặt hơn vấn đề này.
“Trong khi Bộ TT&TT trực tiếp quản lý các cơ quan báo đài, nhưng cơ quan chức năng đại diện báo cáo Chính phủ những bất cập về quảng cáo lại là Bộ VH-TT&DL. Nhiều kiến nghị của Bộ TT&TT về vấn đề quản lý quảng cáo đến giờ vẫn chưa được Bộ VH-TT&DL tiếp thu”, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề tại sao Bộ TT&TT không xử lý nghiêm những hoạt động văn hóa phản cảm gây bức xúc dư luận gần đây, ông Lưu Vũ Hải cho biết: đối với những thông tin chuyên ngành như giáo dục, văn hóa, thương mại điện tử… thì các Bộ quản lý chuyên ngành phải chủ động ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh. Cụ thể ở đây, quản lý thông tin văn hóa phải do Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm. Đối với những thông tin phản cảm được đăng tải trên các cơ quan báo đài thì các Bộ chuyên ngành phải kiến nghị để Bộ TT&TT là bộ quản lý Nhà nước xử lý theo Luật Báo chí.
Cần thống nhất đầu mối
Tại cuộc họp giao ban quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT diễn ra sáng ngày 1/8/2011, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng cần nêu rõ với Chính phủ, Quốc hội định nghĩa “quảng cáo thực chất là thông tin ngắn gọn nhất, chưng cất nhất”, điều này có nghĩa “quảng cáo gắn liền với thông tin”. Trước đây, chức năng quản lý quảng cáo được đưa về Bộ Văn hóa – Thông tin vì Bộ này quản lý thông tin. Nhưng sau này, khi chia tách Bộ thì mảng quản lý thông tin được chuyển về Bộ TT&TT trong khi mảng quảng cáo vẫn có một phần chịu sự quản lý của Bộ VH-TT&DL.
“Hiện có 9 lĩnh vực quảng cáo, gồm 8 lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý, 1 lĩnh vực do Bộ VH-TT&DL quản lý, nhưng trong lĩnh vực do Bộ VH-TT&DL quản lý lại có hơn 1 nửa nội dung liên quan đến Bộ TT&TT. Cụ thể, Bộ VH-TT&DL quản lý quảng cáo ngoài trời (biển hiệu, áp phích…), nhưng hiện nay hầu hết loại quảng cáo này đều liên quan tới các bảng điện tử. Có người nói vui Bộ TT&TT quản lý 8,5 lĩnh vực/9 lĩnh vực”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp minh chứng.
Mặt khác, xét về giá trị tạo ra từ quảng cáo thì Bộ TT&TT quản lý tới 99,7%, còn Bộ VH-TT&DL chỉ quản lý 0,3%.
Bởi vậy, “nên giao Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Bộ VH-TT&DL và Bộ Công Thương, các tỉnh thành trong cả nước để quản lý quảng cáo”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Theo www.ictnews.vn