Theo báo cáo của IDC, tính đến năm 2015, lượng dữ liệu sẽ tăng đến 650% và nhu cầu về trung tâm dữ liệu tăng gấp hơn 2 lần sau mỗi 24 tháng, tạo nên sự thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng.
Giải pháp lưu trữ mới của Dell phát triển dựa trên kiến trúc Fluid Data, hệ thống mạng lưu trữ tích hợp được 8 giải pháp cơ bản để đem đến hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến khả năng tiến hóa và mở rộng cơ sở hạ tầng, đưa tự động hóa thoát khỏi sự cứng nhắc, giảm kích thước và chi phí dữ liệu, thỏa mãn các nhu cầu kinh doanh mới mà không làm gián đoạn hệ thống, đồng thời kiểm soát thông tin tổng thể…
Nền móng kiến trúc Fuild Data dựa vào sự tích hợp các công nghệ lưu trữ SAN Peer-Scale, lưu trữ SAN có khả năng mở cao, khả năng nén và chống trùng lặp theo nội dung, và SAN phân lớp đa giao thức đã có sẵn và đang được tiến hành từ nay đến cuối năm 2011.
Các giải pháp Fluid Data được kỳ vọng sẽ mang đến khả năng tiết kiệm đến 80% chi phí với lưu trữ phân lớp, giảm 75% thời gian triển khai lưu trữ, 50% sao lưu dự phòng cũng như thời gian khôi phục…
Dell bắt đầu gia nhập phân mảng về dịch vụ lưu trữ, máy chủ cho doanh nghiệp từ tháng 1/2008 sau khi mua lại công ty EqualLogic. Đồng thời, sau đó, Dell cũng lần lượt mua lại các công ty khác như Exanet (tháng 2/2010), Ocarina Network (tháng 6/2010).
Để hoàn thiện dải giải pháp của mình, mới đây nhất, tháng 2/2011, Dell cũng đã tiến hành mua lại công ty Compellent với mong muốn hoàn thiện dải sản phẩm thiết bị và giải pháp, phù hợp với mọi yêu cầu của khách hàng. Thương vụ này được đánh giá là một trong những bước đi quan trọng của Dell trong những nỗ lực thiết kế lại lưu trữ của Dell.
Hiện tại, giải pháp này đã có sẵn và đang được triển khai cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo nhận định của Dell, Việt Nam là thị trường hết sức tiềm năng và hoàn toàn có thể ứng dụng những giải pháp mà Dell đưa ra trên một nền tảng hoàn toàn mới mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Theo www.pcworld.com.vn