|
FPT giống một công ty phân phối các sản phẩm công nghệ hơn là một tập đoàn công nghệ. Ảnh: Thanh Hải |
FPT dành ngân sách cho R&D
Nguồn tin từ FPT cho biết, theo dự thảo Quy chế Đầu tư và Phát triển của tập đoàn này, hằng năm, FPT dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D). Như vậy, FPT là doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam đưa ra lời tuyên bố rõ ràng về việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển.
Một lãnh đạo của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin viễn thông và dịch vụ công FPT cho rằng: "FPT là tập đoàn đầu tư phát triển công nghệ hàng đầu Việt Nam mà bây giờ mới có quy chế về nghiên cứu và phát triển là chậm. Hiện nay, các tập đoàn cung cấp sản phẩm dịch vụ trên thế giới đều có quỹ R&D được trích từ lợi nhuận hằng năm. Các công ty coi đây là sự đầu tư bắt buộc, mang tính sống còn với tương lai của họ". Một ví dụ về Huawei của Trung Quốc đã rất thành công trên thế giới nhờ đầu tư mạnh cho R&D. Huawei đã thành lập 1 công ty thành viên chuyên về nghiên cứu và phát triển (R&D). Hàng năm, Huawei chi khoảng 10% doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Trên tờ thông tin của FPT đã đăng tải nhiều ý kiến của các công ty con của tập đoàn này. Theo đó, FPT đã chú trọng đầu tư vào các ngành, hướng kinh doanh mới, nghiên cứu và phát triển… tuy nhiên, tập đoàn vẫn chưa có quy định cụ thể về hoạt động này. Điều đó khiến nhiều công ty thành viên phải “rón rén” khi nghiên cứu, bởi chưa biết lấy tiền ở nguồn nào đầu tư cho hiệu quả. “Nếu không có sự đầu tư để nghiên cứu các sản phẩm, công nghệ mới để theo kịp yêu cầu của khách hàng cũng như xu thế phát triển của viễn thông thế giới thì đến lúc FPT sẽ bị tụt hậu, bị khách hàng đào thải, bị đối thủ cạnh tranh thay thế”, một lãnh đạo công ty con của FPT nói.
Tuy nhiên, các đơn vị của FPT cũng hy vọng, với quy chế này, các đơn vị không phải chia sẻ quỹ lương thưởng từ bộ phận kinh doanh cho các dự án R&D nữa. Điều này khuyến khích cán bộ làm R&D chuyên tâm hơn cho việc nghiên cứu phát triển của mình, khuyến khích các ý tưởng mới trong nhân viên.
Khi tập đoàn công nghệ mang danh “bán phụ tùng”
Cuối năm 2010, theo tiêu chí phân ngành thử nghiệm đối với 178 doanh nghiệp đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, Công ty FPT được xếp vào nhóm “bán buôn máy móc và thiết bị phụ tùng”. Việc phân ngành được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thực hiện thử nghiệm căn cứ vào tiêu chí chủ chốt là doanh thu của công ty niêm yết. Hoạt động kinh doanh nào mang lại doanh thu lớn nhất sẽ được xem là ngành chính của công ty đó.
Một số ý kiến cho rằng, trong các lĩnh vực mang đúng bản chất của một công ty công nghệ như phần mềm xuất khẩu, phần mềm trong nước thì mức đóng góp vào chiếc bánh doanh thu của FPT không nhiều. Hơn nữa, phần lớn sản phẩm phần mềm thực hiện dưới dạng làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy, FPT giống một công ty phân phối các sản phẩm công nghệ hơn là một tập đoàn công nghệ.
Gần đây, FPT đã tung ra các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động hay máy tính bảng. Tuy nhiên, những dòng sản phẩm này vẫn được sản xuất ở công xưởng lớn nhất thế giới là Trung Quốc giống như nhiều sản phẩm điện thoại, máy tính thương hiệu Việt khác chứ không phải là đầu tư sản xuất, lắp ráp. Một chuyên gia CNTT đưa ra nhận xét, khi FPT tung ra điện thoại mang tên F99, cái tên F99 phải chăng có hàm ý là điện thoại này 99% là của Trung Quốc. Hay m ới đây, FPT tung ra dòng máy tính bảng giá chưa tới 5 triệu đồng để thâm nhập vào phân khúc "high-end" với các phần mềm dành cho riêng người Việt Nam. Thế nhưng, sản phẩm này vẫn sản xuất ở Trung Quốc nên nhiều người cho rằng yếu tố công nghệ của FPT trong sản phẩm này vẫn khá mờ nhạt. Ở một góc độ nào đó những sản phẩm công nghệ của FPT đưa ra được xem như là "dán mác" thương hiệu của mình lên các sản phẩm "made in china".
Thế nhưng với việc tuyên bố đầu tư cho R&D, nhiều người hy vọng sẽ có một FPT được xếp chính danh vào tập đoàn công nghệ chứ không phải đi buôn bá phụ tùng và những sản phẩm công nghệ của FPT sẽ có "made in Vietnam" nhiều hơn.
Theo www.ictnews.vn