VNPT phải quyết định sớm số phận Vinaphone - MobiFone
Nhìn lại lý do ra đời Nghị định 25/2011/NĐ-CP, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng, từ khi Viettel hoạt động, thị trường viễn thông đã có thêm nhiều ích lợi cho người dân và nhà nước (giá cước rẻ, phổ cập điện thoại...). Tuy nhiên, đến nay, thị trường viễn thông Việt Nam đang bắt đầu bộc lộ những yếu tố của sự không bền vững. Các biểu hiện đó là: dịch vụ thoại đã tiệm cận bão hòa cả về mật độ lẫn lưu lượng khiến doanh thu trên mỗi người sử dụng (APRU) giảm, kéo theo sụt giảm về lợi nhuận và tái đầu tư; doanh nghiệp liên tục cạnh tranh nhau về giá; doanh nghiệp nhỏ khó làm ăn (S-Fone có thể sẽ chết, Beeline đang được đặt câu hỏi về sự tồn tại trong thị trường Việt Nam? Indochina Telecom vẫn chờ 3-4 năm nay).
Nhìn nhận thêm của ông Trực, thị trường viễn thông đã qua 2 giai đoạn: chuyển sang số hóa (giai đoạn 1); cạnh tranh (giai đoạn 10 năm qua từ 2001 – 2010). Hai năm gần đây, thị trường đã bộc lộ rõ những thách thức của giai đoạn mới, nếu không có những điều chỉnh kịp thời sẽ sụp đổ ở từng bộ phận, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng và nhà nước. Ông Trực nhấn mạnh, khi thị trường phát triển không tốt, nếu vẫn giữ 100% vốn nhà nước thì sẽ chỉ còn lại 1-2 doanh nghiệp.
Quan điểm từ phía cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TTTT cho rằng, thị trường hiện tại tuy có cạnh tranh nhưng chưa phải cạnh tranh đúng nghĩa vì doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vị trí chủ đạo. Chủ trương của Nhà nước là muốn tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, không có sự độc quyền.
Có lẽ vì vậy mà Nghị định 25 (Chính phủ Ban hàng ngày 6/4/2011, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông) ra đời, quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Quy định này nhằm quản lý cạnh tranh, giúp thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, chống độc quyền.
VNPT hiện đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn là Vinaphone và MobiFone. Theo Nghị định này, VNPT sẽ buộc phải tính toán mô hình cho phù hợp: cổ phần hóa hay thoái vốn hay sáp nhập hai mạng MobiFone và Vinaphone?
Kịch bản cho các doanh nghiệp viễn thông?
Câu chuyện tái cấu trúc các doanh nghiệp viễn thông để thị trường phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh không chỉ là chuyện của VNPT. Nhiều chuyên gia dự đoán, sát nhập, tái cấu trúc sẽ là chủ đề chính của các doanh nghiệp viễn thông thời gian tới. Việt Nam hiện có đến 8 giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnammobile, Beeline, EVN Telecom, S-Fone và Đông Dương Telecom (chưa cung cấp dịch vụ). Trong số này, ngoại trừ số phận EVN vừa được định đoạt (Viettel tiếp quản), các mạng viễn thông nhỏ còn lại như S-Fone, Beeline và Công ty Đông Dương cũng đang trong tình cảnh khóc dở mếu dở.
Các chuyên gia cho rằng, việc cấp quá nhiều giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động thời gian trước đã dẫn đến những hậu quả tất yếu. Điều này đã được dự báo từ trước. Quá nhiều doanh nghiệp viễn thông cùng hoạt động trên một thị trường trong khi tài nguyên tần số có hạn đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, giá thành sẽ cao, hiệu quả kinh doanh giảm.
Theo ông Mai Liêm Trực, con số mong đợi chỉ nên có 4 doanh nghiệp viễn thông bao gồm: Viettel (nên giữ nguyên 100% vốn nhà nước vì liên quan đến an ninh quốc phòng); 1 doanh nghiệp của VNPT trong đó nhà nước sở hữu 51% và 1-2 doanh nghiệp cổ phần hóa khác trong đó phía Việt Nam (không phải nhà nước) chiếm cổ phần khống chế 51% so với doanh nghiệp nước ngoài.
Dù sao, chuyện doanh nghiệp sẽ sáp nhập hay tái cấu trúc ra sao, theo nhiều chuyên gia, sẽ do thị trường quyết định. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán làm sao để có lợi nhất.
2012 viễn thông sẽ gặp khó
Ngoài chuyện tái cấu trúc, doanh nghiệp viễn thông cũng đang đau đầu với việc làm sao có thể kiếm tiền từ các dịch vụ giá trị gia tăng khi mà dịch vụ thoại đã ở mức bão hòa. Các mạng di động sẽ không thể mãi chiến đấu với nhau về giá cước. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng khẳng định, Nhà nước sẽ quyết liệt hơn để không cho phép ra những gói cước “chém giết” nhau. Không thể nói Viettel, VNPT đã đủ mạnh thì không cho doanh nghiệp khác làm.
Dự báo “năm 2012 doanh thu sẽ không có gì đột biến, tăng trưởng người dùng sẽ không nhiều. Xu thế năm 2012 nếu muốn tăng APRU (doanh thu trên mỗi người dùng) thì doanh nghiệp sẽ phải tăng giá trị gia tăng”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty viễn thông Viettel chia sẻ, dịch vụ nội dung là một sân chơi rộng lớn và phong phú mà chỉ các doanh nghiệp nội dung làm được, doanh nghiệp viễn thông không làm được. Đáng tiếc, hiện nay, thị trường nội dung số vẫn chủ yếu tập trung vào nhắn tin qua đầu số, những thứ đơn giản, dễ làm, chưa có những dịch vụ đặc sắc.
Theo www.pcworld.com.vn