“Gã khổng lồ” phần mềm Microsoft hôm nay đã công bố một bản thỏa thuận với hãng điện tử Hàn Quốc LG, theo đó, LG sẽ phải trả tiền bản quyền cho Microsoft để tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android trên các thiết bị của mình. Chi tiết của bản thỏa thuận không được tiết lộ, tuy nhiên, Microsoft tự hào tuyên bố rằng 70% số smartphone đang sử dụng Android tại thị trường Mỹ đang phải trả tiền bản quyền cho Microsoft.
Microsoft đang tích cực đào bới “mỏ vàng” Android
“Chúng tôi đang xây dựng một mối quan hệ lâu dài với LG để đạt được một thỏa thuận cùng có lợi. Chúng tôi rất tự hào về sự thành công trong sự hợp tác để giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ điều hành Android” - Horacio Gutierrez, phó chủ tịch của Microsoft tuyên bố sau khi thỏa thuận với LG được hoàn tất.
Mặc dù Android là hệ điều hành của Google, tuy nhiên hệ điều hành này đang sử dụng các công nghệ do Microsoft nắm bản quyền, tuy nhiên, Google từ chối ra tòa để giải quyết vấn đề với Microsoft. Do vậy, để tránh bị khởi kiện, các hãng sản xuất đang sử dụng Android thường bị Microsoft yêu cầu một thỏa thuận “đền bù” khi sử dụng hệ điều hành Android trên thiết bị của họ.
Trước LG, Microsoft cũng đã đạt được những thỏa thuận tương tự với các hãng sản xuất lớn khác, như Samsung, HTC, Acer, ViewSonic, Quanta, Onkyo…
Trong trường hợp thỏa thuận với Samsung, Microsoft đang nhận được tiền bản quyền cho mỗi thiết bị sử dụng Android được Samsung bán ra thị trường. Mặc dù cả Samsung lẫn Microsoft đều từ chối tiết lộ số tiền mà Microsoft thu được từ thỏa thuận này, tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Microsoft sẽ nhận được 5 USD cho mỗi thiết bị dùng Android mà Samsung tiêu thụ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng sản xuất sử dụng Android đều tuân thủ theo yêu cầu này của Microsoft. Hiện tại, Microsoft đang vướng vào những vụ kiện tụng với Inventec, Foxconn, Barnes & Noble Nook và Motorola (vừa được Google mua lại để củng cố danh mục bằng sáng chế dành cho Android) để đòi tiền bản quyền trên nền tảng Android.
Hành động thu tiền bản quyền trên thiết bị sử dụng Android và sự im lặng của Google, khiến cho nhiều người cảm thấy nghi ngờ về cái gọi là “miễn phí” và “mã nguồn mở” mà Google đang gọi hệ điều hành Android của mình.