Thị trường tiềm năng của phần mềm kế toán trong năm 2012 hướng mạnh vào các doanh nghiệp mới thành lập, tiếp đó là những doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi, nâng cấp phần mềm kế toán hiện tại. Hướng đến các nhóm khách hàng này, nhà cung cấp tìm cách nâng cấp phần mềm sao cho thích ứng với sự tăng trưởng của khách hàng; hoặc phải thay đổi phương thức kinh doanh để hài hoà với bài toán “cắt giảm chi phí” của phần đa doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế đang suy thoái chung.
Nhận định về tiềm năng của thị trường phần mềm kế toán tại Việt Nam trong năm 2012, hầu hết các công ty phần mềm đều cho rằng năm nay doanh nghiệp sẽ tiếp tục hạn chế chi tiêu như đã tiến hành từ năm 2011 do tình hình kinh doanh vẫn khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là những năm gần đây, doanh nghiệp các ngành nghề trong nước đã nhận thức được vai trò của tin học hóa, riêng phần mềm kế toán được doanh nghiệp xác định như một phần không thể thiếu.
Một số công ty cung cấp phần mềm kế toán đã khẳng định doanh thu của họ trong vòng 3 năm trở lại đây (từ 2009 đến nay) khá ổn định, thường tăng trưởng ở mức 20% - 30%.
Phần mềm kế toán thông minh hơn
Đi theo xu hướng phần mềm kế toán ngày càng thông minh hơn là phần lớn các nhà sản xuất - cung cấp phần mềm đã có tên tuổi, có nhiều khách hàng như MISA, Fast, 1V…
Đại diện Công ty MISA cho biết trong năm 2012 chú trọng cải tiến sản phẩm để đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Phần mềm MISA SME.NET phiên bản 2012 có thể hỗ trợ đầy đủ các chức năng liên quan đến thuế: từ tích hợp chữ ký số vào các báo cáo thuế; kết xuất trực tiếp báo cáo có mã vạch theo tiêu chuẩn của Tổng cục Thuế; hỗ trợ nộp hồ sơ thuế qua mạng. Doanh nghiệp không còn phải mất thời gian nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế (HTKK).
Ngoài ra, MISA SME.NET 2012 có thêm một số tính năng mới như: tính giá thành theo Quyết định 48/2011/QĐ-BTC; Lập dự toán và Kiểm soát thu, chi ngân sách theo từng bộ phận, phòng ban, văn phòng, chi nhánh; cung cấp các báo cáo quản trị chi phí, báo cáo quản trị mua hàng, bán hàng.
Cùng cách làm này, đại diện Công ty phần mềm FAST cho biết công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh 2 điểm chính là làm cho phần mềm có tốc độ nhanh hơn và có nhiều tính năng thông minh hơn.
Theo ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc FAST, càng ngày khối lượng dữ liệu càng tăng, nếu phần mềm vẫn như cũ thì tốc độ sẽ bị chậm đi. Rất nhiều doanh nghiệp quan tâm tốc độ xử lý qua Internet. Do vây, FAST thiết kế phần mềm sao cho xử lý khối lượng lớn dữ liệu mà vẫn đảm bảo tốc độ và chính xác. Ngoài ra, nhu cầu về quản lý, phân tích số liệu nhanh chính xác sẽ hỗ trợ DN trong việc tìm hiểu nhanh nhu cầu sản phẩm của khách hàng, tình hình kinh doanh…
Không thay đổi về giá nhưng bổ sung tính năng cũng là cách Công ty Asiasoft lựa chọn. Các tính năng được Asiasoft bổ sung trong phiên bản mới ra mắt trong năm 2012 như tự động cập nhật các bản vá, tăng nội dung cảnh báo người dùng, tự động cập nhật cho phù hợp với các thông tư, nghị định mới liên quan đến nghiệp vụ kế toán. Asiasoft cũng cho thiết kế lại phần mềm theo hướng mở để có thể tương thích với các phần mềm chuyên dụng khác của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thái Trang, Chủ tịch HĐQT Asiasoft, doanh nghiệp ngày nay đều đã có nhận thức cao về việc ứng dụng CNTT trong quản lý, sản xuất và họ có thể sử dụng phần mềm trong những hoạt động chuyên môn khác, vì vậy, phần mềm kế toán cũng nên tương thích với các phần mềm đó để thuận tiện cho công tác quản trị của doanh nghiệp.
Định hướng phần mềm kế toán phục vụ quản trị cũng là xu hướng đang phát triển. Theo đó, các phần mềm kế toán sẽ được bổ sung thêm các phân hệ quản trị quan hệ khách hàng, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, lương, quản lý nhân sự...
Thay đổi phương thức kinh doanh
Nếu như trước đây, phần mềm kế toán chủ yếu được bán dưới dạng đóng gói với chi phí khoảng vài triệu đồng/bản thì nay, cùng với xu hướng ảo hóa và điện toán đám mây, nhiều doanh nghiệp chuyển sang cung cấp trên nền web (để chuẩn bị cho việc đưa lên hạ tầng đám mây trong thời gian tới) hoặc cung cấp dưới dạng dịch vụ (SaaS) cho thuê theo năm. Các doanh nghiệp đi theo xu hướng này có thể kể đến như Asiasoft, FAST, MISA...
Với phiên bản web-base, FAST kỳ vọng doanh thu năm 2012 sẽ tăng khoảng 30% - 35%, còn Asiasoft cũng hy vọng sẽ tăng trưởng 25% trong năm 2012.
Công ty iBoss lại hướng đến cung cấp bộ phần mềm trọn gói dành cho doanh nghiệp, gồm phần mềm kế toán AC Plus, phần mềm văn phòng điện tử MyOffice (có cả tính năng quản trị nhân sự, quản lý quan hệ khách hàng cơ bản) và website (bao gồm thiết kế trang web và dịch vụ hosting). Theo ông Trịnh Hồng Chương, Giám đốc Công ty iBoss, trong giai đoạn kinh doanh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp xiết chặt các khoản chi, vì vậy, công ty cố gắng đưa ra gói sản phẩm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp với chi phí khiêm tốn (chỉ 1 đến 2 triệu đồng) để doanh nghiệp dễ dàng quyết định chi tiêu, đồng thời có cơ hội tiếp cận với mô hình doanh nghiệp điện tử.
Chi phí sản phẩm phần mềm thấp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tin học hóa các hoạt động mà không bị áp lực về việc đầu tư cho CNTT.
Thay lời kết
Có thể thấy, năm nay các công ty phần mềm trở nên năng động hơn bao giờ hết. Họ tích cực tìm kiếm thị trường và thay đổi các hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm để tương thích nhanh với nhu cầu khách hàng. Về phía các doanh nghiệp ứng dụng, dù muốn hay không trong quá trình phát triển họ sẽ cần đến ứng dụng CNTT (tùy mức độ) để hỗ trợ quản lý.
Theo www.pcworld.com.vn