Chủ nhật, 05/01/2025
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 21/02/2012
Bảo vệ phần mềm Việt: “Chớ thấy khó mà không làm!”

Nếu doanh nghiệp chủ động đăng ký cập nhật lại Danh mục phần mềm Việt, Bộ TT&TT sẽ có sở cứ chính xác hơn để đề xuất lực lượng thanh tra bản quyền phần mềm quan tâm hơn tới các phần mềm Việt khi thi hành nhiệm vụ.

1a.jpg
Nhiều vụ vi phạm bản quyền phần mềm bị phát hiện có giá trị cả tỷ đồng. (Ảnh minh họa) Ảnh: TH

Tại sao chỉ là Microsoft?

Doanh nghiệp phần mềm đã và vẫn đang bị hao hụt một khoản doanh thu không nhỏ do các phần mềm Việt thường xuyên bị vi phạm bản quyền, thậm chí có phần mềm vừa ra mắt đã bị bẻ khóa (crack) rồi bán lại với “giá bèo” hoặc vô tư sử dụng miễn phí.

"Ngày trước, quá bức xúc về việc phần mềm của Schoolnet bị copy tràn lan, chúng tôi đã từng liên hệ công an nhờ can thiệp nhưng sau đó kết quả chỉ là sự thất vọng. Hiện chúng tôi vẫn không có giải pháp nào để chống vi phạm bản quyền phần mềm, chỉ áp dụng giải pháp duy nhất là tuyên truyền cho các trường học rằng nên mua sản phẩm đĩa gốc của Schoolnet vì đĩa sản xuất công nghiệp có chất lượng tốt hơn và lại có bản quyền. Song thực tế vẫn có rất nhiều trường mua 1 đĩa có bản quyền rồi sao chép ra hàng chục bản phân phát cho các giáo viên trong trường sử dụng. Ở Việt Nam rất khó áp đặt sử dụng phần mềm có bản quyền. Bởi vậy, câu chuyện chống vi phạm bản quyền phần mềm, Schoolnet đã mặc kệ, bỏ qua từ lâu", ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty Schoolnet chia sẻ với phóng viên Bưu điện Việt Nam với tâm trạng khá bi quan.

Nhìn nhận một cách khách quan, ở Việt Nam, Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng tổ chức nhiều đợt thanh tra bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng thì có vẻ như lực lượng thanh tra thường chỉ tập trung xử các vụ vi phạm bản quyền của những phần mềm “ngoại” như phần mềm của Microsoft, Cisco... Thi thoảng mới đả động đến một số phần mềm "nội" như Lạc Việt, Bkav... Đây cũng là một trong những lý do khiến công nghiệp phần mềm Việt Nam không phát triển được.

Sáng kiến tốt, nhưng khó thực thi

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về TT&TT, Bộ TT&TT đã nhận rõ hiện trạng nêu trên. Nhằm "gỡ khó" cho doanh nghiệp phần mềm, Bộ TT&TT có sáng kiến thành lập Danh mục các phần mềm nội dung số do doanh nghiệp xây dựng và đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở Danh mục này, Bộ TT&TT sẽ gửi văn bản cho Thanh tra của Bộ VH-TT&DL, đề nghị có các biện pháp thực thi ưu tiên bảo vệ đối với những phần mềm của doanh nghiệp trong nước. Thực tế nhiều năm qua, Bộ VH-TT&DL cũng có danh sách về các phần mềm Việt đã đăng ký sở hữu trí tuệ song không được cập nhật thường xuyên.

Mới đây, Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đã chính thức gửi công văn đề nghị các doanh nghiệp cung cấp danh sách các phần mềm đã đăng ký sở hữu trí tuệ, hạn chót để nhận danh sách là 31/1/2012. Thế nhưng đến nay đã quá hạn gần nửa tháng, số lượng hồi âm từ phía các doanh nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn. Đại diện Vụ CNTT - Bộ TT&TT cho rằng có thể do thời gian gửi và nhận công văn đúng vào dịp Tết nên nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được tinh thần của Bộ TT&TT.

Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Bùi Việt Hà thừa nhận là chưa biết rõ về công văn của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng sáng kiến của Bộ TT&TT rất tốt nhưng khó thực thi. "Cả nước có tới hàng chục ngàn phần mềm Việt đăng ký bản quyền, riêng Schoolnet cũng đã đăng ký bản quyền cho hơn 50 phần mềm trong tổng số phần mềm doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh. Việc lập Danh mục rồi chuyển sang Bộ VH-TT&DL không đơn giản nhưng cũng cứ thử xem sao", ông Hà nói.  

Theo ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty Lạc Việt, với các công ty sản xuất phần mềm đóng gói như Lạc Việt thì sự siết chặt về bản quyền phần mềm sẽ tác động tích cực ngay tới kết quả kinh doanh. Năm 2009, riêng phần mềm từ điển Lạc Việt đã đem về doanh thu 10 tỷ đồng cho Công ty Lạc Việt bằng các hợp đồng với những công ty sản xuất điện thoại và máy tính. Nhưng ước tính năm 2010 , Công ty Lạc Việt đã mất khoảng 58 tỷ đồng vì nạn vi phạm bản quyền phần mềm. Ông Thân cho rằng, nếu bản quyền phần mềm được siết chặt hơn sẽ giúp cho các doanh nghiệp phần mềm trong nước thu được lợi nhuận cao hơn, từ đó họ có thể tái đầu tư cho những hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Theo www.ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )