Thứ sáu, 03/01/2025
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 05/03/2012
Kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng: Địa phương lúng túng!

Từ 2008, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản hướng dẫn kết nối, sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của các cơ quan Đảng và Nhà nước nhưng đến nay còn nhiều địa phương vẫn e ngại.

1a.jpg

Nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai ứng dụng CNTT trên nền Mạng TSLCD. Ảnh: Ngọc Mai

Hệ thống mạng được thiết kế an toàn nhất

Mạng TSLCD do Bưu điện Trung ương xây dựng, vận hành theo sự chỉ đạo của Chính phủ, là công cụ hữu hiệu để các cơ quan Đảng và Nhà nước triển khai các bài toán ứng dụng CNTT. Đây là hệ thống mạng dùng riêng, có tính an toàn, bảo mật cao nhất so với các mạng công cộng khác do có sự tách riêng về hạ tầng vật lý. Mỗi cơ quan Đảng và Nhà nước sử dụng mạng TSLCD đều được tách riêng với nhau về mặt logic bằng cách tạo các mạng riêng ảo khác nhau trên nền Mạng TSLCD, góp phần loại bỏ khả năng tấn công giữa nội bộ với nhau.

Hiện Mạng TSLCD đã cung cấp kết nối và dịch vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, TP, quận/huyện ủy, thị ủy, UBND quận/huyện/thị xã, các sở, ban, ngành địa phương tại tất cả các tỉnh, TP trên cả nước,với tổng số 3.740 điểm kết nối. Phương thức kết nối chủ yếu bằng cáp quang, một số ít điểm sử dụng cáp đồng dựa trên công nghệ SHDSL.

Theo thống kê của Bưu điện Trung ương, những dịch vụ phổ biến được triển khai trên Mạng TSLCD tại các địa phương gồm VPN, WAN, thư điện tử, truy cập Internet, trao đổi văn bản, xác thực, web, truyền dữ liệu. Ngoài ra, các đơn vị còn khai thác mạng TSLCD để triển khai những hệ thống nghiệp vụ như hệ thống một cửa, hệ thống quản lý hồ sơ công việc, hệ thống quản lý khai thác hồ sơ công chức, viên chức trong tỉnh, cổng thông tin điện tử…

Dự kiến thời gian tới, Mạng TSLCD sẽ được bổ sung thêm kết nối từ các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Đảng hiện chưa kết nối và kết nối từ cấp quận, huyện đến cấp xã, phường đối với hơn 11.000 điểm xã, phường, thị trấn trên cả nước.

Vẫn khó triển khai tại địa phương

Tối ưu là thế song hành trình “về” với địa phương, nhất là tới các cấp cơ sở xã, phường, quận, huyện của Mạng TSLCD còn lắm gian nan.

Từ 2008, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn 2336/BTTTT-ƯDCNTT ngày 21/7/2008 hướng dẫn kết nối, sử dụng Mạng TSLCD và Thông tư 23/2011/TTBTTTT ngày 11/8/2011 quy định về việc quản lý, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin trên Mạng TSLCD của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, tại cuộc họp Hội đồng Giám đốc CNTT (CIO) các tỉnh, TP mới đây, có nhiều ý kiến phản ánh về sự lúng túng trong triển khai Mạng TSLCD. Ông Lê Hữu Thịnh, GĐ Sở TT&TT Đăk Lăk chia sẻ lý do chính khiến sau 2 năm triển khai, hệ thống giao ban điện tử của địa phương vẫn chưa kết nối vào Mạng TSLCD, đó là sự e ngại về chất lượng của đường truyền. Địa bàn Đăk Lăk rất rộng, nhiều huyện cách xa trung tâm hàng trăm km. Ở những điểm xa, tín hiệu âm thanh trên Mạng TSLCD chưa rõ nét. Một số huyện vẫn đang triển khai Mạng TSLCD bằng phương thức kết nối cáp đồng dung lượng khoảng 2Gb, không đảm bảo hiệu quả cho các cuộc họp trực tuyến.

Ông Nguyễn Đình Thắng, CIO của tỉnh Bắc Ninh cũng chung mối quan ngại về tốc độ đường truyền của Mạng TSLCD. Khi Bắc Ninh kết nối vào Mạng thông tin liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (do Sở TT&TT xây dựng trên nền Mạng TSLCD), nếu tất cả cán bộ cùng vào Cổng thông tin liên kết vùng này thì có nguy cơ bị nghẽn mạng.

“Lực cản” thứ hai đối với việc triển khai Mạng TSLCD tại các địa phương chính là phí dịch vụ sử dụng. GĐ Sở TT&TT Bắc Ninh Nguyễn Đình Thắng cho biết năm ngoái, tỉnh quyết định cho 126 Đảng ủy các xã được kết nối vào Mạng TSLCD, phí dịch vụ đường truyền phải nộp mỗi tháng chỉ 100 - 200 nghìn đồng nhưng cũng khó thu vì Đảng ủy không được bố trí vốn từ ngân sách. Đã có hiện tượng “cắt cầu” sử dụng Mạng TSLCD, quay sang thuê đường truyền Internet của các DN cung cấp dịch vụ công cộng.

Chia sẻ thêm về sự lúng túng trong triển khai Mạng TSLCD tại địa phương, ông Nguyễn Minh Tuấn, GĐ Sở TT&TT Yên Bái thừa nhận đến giờ Yên Bái vẫn còn lơ mơ về Mạng TSLCD. “Từ 2008 đến nay, chúng tôi chỉ nhận được một văn bản duy nhất của Cục Bưu điện Trung ương về việc Sở TT&TT ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành trong tỉnh phối hợp triển khai pha 2 của Mạng TSLCD đến các sở, ban, ngành. Hầu như không có thông tin cập nhật về Mạng TSLCD. Đã có nhiều sở sau khi đồng ý lắp đặt phòng và hỗ trợ Bưu điện Trung ương để đầu dây chờ kết nối vào Mạng TSLCD, suốt thời gian dài không biết làm gì tiếp theo nên đã chuyển chức năng sử dụng của phòng này“, ông Tuấn cho biết.

Ghi nhận những phản ánh từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT thông báo tin vui thời gian tới Bộ TT&TT sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn việc ứng dụng triển khai trên Mạng TSLCD. Bưu điện Trung ương sẽ tổ chức khai trương toàn hệ thống Mạng TSLCD để chính thức công bố việc đưa vào sử dụng Mạng này, giúp các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch triển khai các ứng dụng trên Mạng một cách hiệu quả.  

Các dịch vụ sẵn sàng cung cấp trên Mạng TSLCD: truyền hình Hội nghị; Mega eMeeting (dịch vụ gia tăng của THHN truyền thống); truy cập Internet; cho thuê chỗ đặt máy chủ (Hosting); kết nối mạng riêng ảo (IP/MPLS VPN lớp 2, lớp 3); truy nhập từ xa (Remote Access IP VPN); máy chủ Web, Email (Web & Email server); MyTV (IPTV). Các dịch vụ sẽ phát triển trong thời gian tới: thoại IP dựa trên Mạng TSLCD (Softswitch); DataCenter (Trung tâm tích hợp dữ liệu); máy chủ ảo; tài nguyên; dữ liệu; chia sẻ tìm kiếm thông tin; phần mềm trực tuyến (SaaS); dịch vụ trên nền IPv6.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )