“Miếng bánh” 2 sim không còn béo bở
|
Điện thoại di động 2 sim của thương hiệu Việt khó kiếm được chỗ đứng trên thị trường trong thời gian tới. |
Vào thời điểm năm 2010 đến giữa năm 2011, các hãng điện thoại thương hiệu Việt đã thắng lớn so với điện thoại không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc nhờ có chế độ bảo hành, hậu mãi. Thậm chí, điện thoại 2 sim thương hiệu Việt còn giành cả thị phần từ tay các thương hiệu lớn như Nokia, Samsung,...
Tuy nhiên đến khoảng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, thời thế đã xoay chuyển hẳn, khi mà Nokia, Samsung, LG liên tục phản công bằng các dòng điện thoại 2 sim giá rẻ chính hãng khiến các hãng điện thoại thương hiệu Việt điêu đứng. Điển hình là ở phân khúc điện thoại giá rẻ dưới 1 triệu các thương hiệu nội như Q-mobile, FPT… đã vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng 101, X1-01 của Nokia hay E1182 của Samsung,... Phân khúc giá trên 1 triệu đồng với các mẫu điện thoại đầy đủ tính năng như nghe nhạc, quay phim, mạng xã hội, kết nối Wi-fi/3G - vốn là ưu thế của điện thoại Việt- cũng bị các dòng điện thoại đến từ Nokia, Samsung lấn lướt.
Ở phân khúc cao cấp thì điện thoại thương hiệu Việt càng không có “cửa”. Cả Q-mobile và FPT đều nỗ lực cho ra đời smatphone chạy hệ điều hành Android với giá dao động trên dưới 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vừa ra mắt và chưa kịp để lại ấn tượng cho người dùng thì Q-mobile và FPT đã bị “đại gia” Samsung “chẹn họng” bằng chiếc Samsung galaxy Y với giá chỉ hơn 3 triệu đồng cộng với nhiều khuyến mại hấp dẫn. Và tất nhiên với lợi thế thương hiệu, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chọn Samsung mà bỏ qua Q-mobile và FPT trong cùng khoảng giá và tính năng.
Người dùng di động đang “bỏ rơi” thương hiệu Việt
Không phải ngẫu nhiên mà người tiêu dùng “ngó lơ” hàng Việt, chỉ cần dạo qua vài diễn đàn về điện thoại ta có thể hiểu ngay về tình tình. Có thể nhận ra ngay là những chủ đề bài viết liên quan đến điện thoại thương hiệu Việt còn quá “nghèo nàn”, có vẻ như giới công nghệ cũng không mấy mặn mà với dòng sản phẩm này.
|
Người tiêu dùng không còn quá “mặn mà” với điện thoại thương hiệu Việt bởi nhiều lí do. |
Khi được hỏi về lí do không chọn điện thoại thương hiệu Việt, thành viên anhtoan0000 trên diễn đàn dtdd.com chia sẻ: “Trước đây, mình cũng từng dùng qua mấy dòng điện thoại thương hiệu Việt, về chất lượng cũng tạm ổn nhưng không chịu được va đập tốt như Nokia, Samsung. Cái giao diện “Tàu” của máy cũng là một nhược điểm lớn, tính năng phần mềm nhàm chán, trình duyệt web chạy quá chậm, không hỗ trợ Java chuẩn nên không cài đặt được thêm ứng dụng. Mang tiếng thương hiệu Việt nhưng mình chưa thấy cái “hồn” Việt được thể hiện trong đó”.
Đúng là hiện nay trên thị trường số điện thoại Việt mang bản sắc Việt chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chẳng hạn như chiếc Q-mobile QUY được sản xuất chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội với thiết kế mô phỏng cụ rùa. Tuy nhiên, chiếc điện thoại này cũng bị người tiêu dùng chê ỏng eo vì giao diện hơi rối mắt, không thay đổi được và giá khá “chát” (thời điểm ra mắt QUY có giá gần 2,5 triệu với kết nối 3G+Wifi).
Cũng đồng quan điểm với anhtoan0000 thành viên nguyenhiep chia sẻ thêm: “Mình thấy thiết kế của điện thoại Việt cũng khá nhàm hầu như mãi vẫn chỉ quanh quẩn với bàn phím Qwerty, dạng thanh “ăn theo” kiểu dáng của Nokia, Blackberry. Máy thì quá yếu, java chạy chậm, nếu điện thoại Việt cải tiến được mấy nhược điểm này thì tốt”.
Lối thoát nào cho điện thoại thương hiệu Việt?
Để tìm lại vị thế của mình trên thị trường, các hãng điện thoại thương hiệu Việt sẽ cần phải chú trọng hơn nữa trong việc tạo dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời nghiên cứu kĩ thói quen của người dùng để có sự thay đổi phần mềm hợp lí, nhất là trong giao diện và các thao tác máy sao cho tối ưu nhất.
Một thành viên chia sẻ trên diễn đàn tinhte: “Theo mình thì thứ tự ưu tiên là chất lượng sản phẩm sau đó là dịch vụ chăm sóc khách hàng và giá cả. Không cần cấu hình quá cao, tầm trung là được rồi, chỉ cần phần cứng chất lượng tốt thôi, tiếp theo là thường xuyên cập nhật phiên bản hệ điều hành cũng như bản vá lỗi cho người sử dụng. Cộng thêm chế độ bảo hành tốt, nhanh, gọn (vì nhiều người không được hài lòng với dịch vụ bảo hành của điện thoại Việt) thì chắc chắn điện thoại Việt mới có cơ hội lấy lại được vị thế của mình”.
“Theo mình các thương hiệu Việt muốn chiến thắng ngay trên sân nhà thì nên đầu tư từ căn bản. Tức là cần phải có nhà máy sản xuất. Thay vào đó tập trung vào nông thôn hoặc nơi có mặt bằng thu nhập thấp, cho người già,... cần tích hợp các chức năng chuyên biệt cho đối tượng mà các hãng nhắm tới. Nói chung, rõ ràng việc phát triển thương hiệu cho các hãng nhỏ cũng cần có chiến lược lâu dài, đúng đắn chứ không thể ngày 1 ngày 2 được”. Thành viên JanusZ bày tỏ.
Rõ ràng, công thức đặt hàng cấu hình, mẫu mã sản phẩm từ đối tác Trung Quốc, gắn thương hiệu Việt vào rồi bán ra thị trường của doanh nghiệp Việt Nam đã không còn thức thời, khi mà các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Nokia, Samsung, LG… đều đã tấn công mạnh vào thị trường điện thoại giá rẻ. Nhưng nếu khai thác được lợi thế nắm bắt nhu cầu thị trường nhanh nhạy cùng việc nâng cấp mẫu mã, chất lượng sản phẩm liên tục, cơ hội phát triển của các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt chưa phải đã hết.
Theo Dantri.com.vn