|
Khi Nghị định 97 mới ra đời các đại lý Internet sẽ phải có sự chuyển đổi thành đại lý Internet thuần túy hoặc các điểm cung cấp game. |
Đã giảm xuống còn 200m
Sáng ngày 6/4, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định 97 mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng thay thế Nghị định 97 cũ. Theo đó, về điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, so với dự thảo lần trước, khoảng cách từ cổng trường tiểu học, THCS, THPT đến điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử đã được giảm từ 500m xuống còn 200m. Tuy nhiên, tổng diện tích các phòng máy tối thiểu vẫn phải đạt 50m2 và bố trí tối thiểu 1m2 cho một máy tính.
Lý giải về điều này, tại buổi Hội thảo, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, khoảng cách 200m, 300m hay 500m không quan trọng nhưng để đồng bộ cách quản lý cũng như giữa các văn bản hiện hành, Bộ TT&TT đã quyết định giữ nguyên khoảng cách giữa các trường học và đại lý Internet, game online ở mức 200m.
Ngoài ra, các điểm truy nhập đại lý Internet và điểm cung cấp trò chơi điện tử trên mạng chỉ được hoạt động từ 8 đến 22 giờ hàng ngày. Bên cạnh đó, các đại lý cung cấp trò chơi điện tử trên mạng sẽ phải có bảng niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng ở nơi mọi người dễ nhận biết; bao gồm các điều cấm đã được quy định, danh sách mới nhất những trò chơi kèm theo phân loại theo độ tuổi đối với từng trò chơi.
Sẽ “xóa sổ” 20.000 đại lý Internet ở TP.HCM?
Đại diện Sở TT&TT TP.HCM cho biết, 90% người vào đại lý Internet để chơi trò chơi trực tuyến; nhu cầu sử dụng email, chat, tìm kiếm, truy cập web không phải là nhu cầu thiết yếu và có thể sử dụng đồng thời khi đang chơi game. Vì thế, khi Nghị định 97 mới ra đời, đa số các đại lý Internet dù đủ điều kiện hay không sẽ phải đóng cửa do hầu hết các cửa hàng đại lý Internet đều cung cấp “trò chơi điện tử trên mạng” vì khái niệm này đã được mở rộng ngoài game nhập vai như trước còn bao gồm các hình thức game social như Farm trên Facebook, Zing Me… hay game offline trên mạng LAN như World Craft…
Còn quy định địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng các trường tiểu học, THCS, THPT từ 200m, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, với mật độ dày đặc các trường học trên địa bàn (khoảng vài nghìn trường học), địa phương này chắc chắn sẽ không còn một đại lý Internet nào!?
Sở TT&TT TP.HCM kiến nghị Bộ TT&TT nên tập trung quản lý từ “gốc” gồm nội dung trò chơi, thời gian chơi, điều kiện kỹ thuật để cung cấp trò chơi… chứ không nên quản phần “ngọn” (các điểm đại lý cung cấp trò chơi). “TP.HCM thống kê có khoảng 20.000 đại lý Internet và theo quy định mới sẽ không còn một điểm nào đáp ứng được yêu cầu”, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cho biết thêm.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Cục phó Cục Viễn Thông (Bộ TT&TT) cho rằng, Nghị định 97 mới khuyến khích phát triển các đại lý thuần túy chỉ truy cập Internet như ở điểm Bưu điện văn hóa xã, khách sạn, nhà hàng… nên không đưa ra bất cứ quy định nào về khoảng cách 200m hay diện tích tối thiểu 50m2. Còn những đại lý nào cho phép chơi “trò chơi điện tử trên mạng” thì phải đáp ứng đủ các quy định để hạn chế tác hại của game.
Vì thế, quan điểm cho rằng đại lý Internet sẽ “biến mất” như Sở TT&TT TP.HCM là không chính xác bởi vì sau khi Nghị định đưa ra, các đại lý Internet sẽ phải có sự chuyển đổi thành đại lý Internet thuần túy hoặc các điểm cung cấp game. “Có thể số lượng những đại lý Internet có cung cấp game sẽ giảm đi nhưng các điểm tồn tại được sẽ góp phần hạn chế những tác hại tiêu cực của game và chúng ta sẽ quản lý được”, bà Mơ nhấn mạnh.
Đại diện FPT Online cho rằng, Nghị định mới có những quy định về khoảng cách và thời gian chơi là hợp lý, khi đó cơ quan Nhà nước hay công an có thể dễ kiểm soát, kiểm tra hơn là bắt các nhà phát hành game chặn địa chỉ IP của các đại lý Internet vì họ có thể thay đổi địa chỉ IP dễ dàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định 97 mới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết Internet có mặt tại Việt Nam từ năm 1997, từ đó đến nay, hoạt động này đã phát triển rất nhanh, thu hút hơn 30% dân số sử dụng Internet. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chế tài nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững của Internet là việc làm cần thiết. Qua hội thảo, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực Internet, viễn thông đưa ra các ý kiến góp ý thẳng thắn từ nhiều góc độ khác nhau, tạo điều kiện để Ban soạn thảo xây dựng văn bản pháp lý mang tính lâu dài.
Theo Ictnews.vn