Cập nhật: 30/04/2012 |
Công nghiệp hỗ trợ với nền công nghiệp chế tạo điện tử - tự động hoá |
|
Hơn 10 năm nay khi đầu tư nước ngoài (FDI) đẩy mạnh ở nước ta, dư luận trong và ngoài nước đã lên tiếng về sự cần thiết của SI. Nhưng trên thực tế, hiệu quả SI trong sự phát triển kinh tế nước ta thì chưa đạt là bao. Phải chăng nay trong chủ chương tái cơ cấu cần có mục xây dựng SI. Đó là việc cần bàn, cần làm. Để bày tỏ sự hưởng ứng đối với quý báo, chúng tôi xin trình bày thêm một số ý kiến sau.
|
|
NHẬN DẠNG SI Nhận dạng các doanh nghiệp SI là cần thiết đối với nước ta. Đối với các nước đã phát triển, SI thành hình cùng với nền đại công nghiệp. Ở nước ta khi có FDI thì SI mới bắt đầu hình thành. Việc nhận dạng SI giúp nhà chức trách trong việc định hướng và đề ra các chủ trương cụ thể, giúp các nhà đầu tư có mục tiêu để tính toán kinh tế, đầu tư công nghệ phù hợp, giao lưu với các FDI, tìm hiểu tham quan nước ngoài, giúp các bộ phận giáo dục đào tạo lập đề cương chương trình đào tạo sát đúng cho SI… Nguồn gốc của SI là sự phân công chuyên môn hóa việc chế tạo sản phẩm. Sản phẩm công nghiệp dùng cho sản xuất đời sống hiện nay là lắp ráp tổng thành của nhiều đơn vị lắp gọi là cụm lắp (assy). Các cụm lắp đi từ nhỏ (subassy) đến các cụm lắp lớn gọi là phần máy của sản phẩm. Trình tự lắp ráp phải tuân theo một sơ đồ nhất định của công nghệ lắp ráp. Ngay từ đầu người thiết kế phải xét đến quy trình lắp và công nghệ lắp. Muốn một dây chuyền lắp ráp có hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao thì khi thiết kế phải phân chia ra được thành nhiều cụm lắp. Các cụm lắp càng độc lập với nhau thì càng dễ phân công sản xuất, chuyên môn hóa. Hãy lấy ví dụ: Một chiếc ô tô thành phẩm thời nay gồm có hàng chục vạn chi tiết máy, được phân thành hàng ngàn cụm lắp lớn nhỏ. Để chế tạo ra chiếc ô tô cần huy động hàng ngàn loại vật liệu khác nhau và cần có nhiều phương pháp gia công khác nhau. Doanh nghiệp sản xuất ô tô không thể cáng đáng chế tạo tất cả các cụm lắp vì như vậy việc đầu tư dàn trải quá rộng, việc quản lý kỹ thuật rất cồng kềnh, nhân lực kỹ thuật phải có số lượng lớn đa ngành; Các khuyết tật về công nghệ khó kiểm tra phát hiện. Trong khi đó xã hội công nghiệp cùng thời có nhiều khả năng giải quyết tốt đẹp theo ngành chuyên môn của họ. Nếu lấy các cụm lắp và các chi tiết máy làm đối tượng sản xuất, tại các nước công nghiệp, các doanh nghiệp đã tổ chức những cuộc hợp tác phân công sản xuất chuyên môn hóa. Nhờ thế mà sản xuất cộng đồng đưa lại hiệu quả lớn hơn nhiều.
|
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI kỳ vọng tìm kiếm đối tác SI tại các kỳ triển lãm chuyên ngành |
Có hai hình thức hợp tác: Một là hợp tác sản xuất các phần máy lớn giữa các xí nghiệp lớn (Ví dụ nhà máy này sản xuất động cơ chạy xe, nhà máy kia sản xuất động cơ thủy lực cho cần cẩu trên xe. Hình thức hợp tác thứ hai là hình thành một hệ thống doanh nghiệp (thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Mỗi doanh nghiệp đảm trách chuyên môn sản xuất các chi tiết máy đồng dạng hoặc các cụm lắp rút từ quá trình công nghệ lắp của doanh nghiệp chính. Loại hợp tác thứ hai này tạo thành các doanh nghiệp SI, tạo thành ngành công nghiệp SI. Hiện nay cả hai hình thức nói trên đang vượt khỏi quy mô một nước và mở rộng ra nhiều nước tham gia. Nhiều nhà kinh tế có thiện chí tỏ ra lo lắng khi thấy nước ta chưa phát triển được ngành SI như Thái lan, Malaixia, Indonesia … Các nhà FDI đầu tư vào nước ta đành dùng các sản phẩm SI của các nước bạn để lắp vào sản phẩm chế tạo tại Việt Nam. Lấy dẫn chứng: Hãng Toyota có xấp sỉ 1500 doanh nghiệp SI; Hãng Mercedes có khoảng 1.400 doanh nghiệp SI. Các doanh nghiệp SI này cung cấp các cụm lắp và chi tiết máy một cách đúng hạn, đủ số lượng, trung thành với chỉ tiêu chất lượng cho các hãng lắp tổng thành. Họ tự hào về các sản phẩm hỗ trợ của họ đã tạo nên thương hiệu ngày càng tín nhiệm trên toàn cầu. Ngược lại các SI được chính hãng tôn trọng chia sẻ quyền lợi một cách thích đáng, hỗ trợ cho SI các thông tin mới nhất về công nghệ; Hai bên gắn bó với nhau cùng đưa nền sản xuất phát triển. Thực ra thì hai chữ hỗ trợ là nhằm chỉ ra sự hợp tác sản xuất các sản phẩm để tạo thành sản phẩm cuối cùng cho chính hãng. Bản thân doanh nghiệp SI với sở trường công nghệ của mình có khả năng sản xuất nhiều loại hình sản phẩm tương tự, có quá trình phát triển song song độc lập và có vị trí xứng đáng trong nền công nghiệp bản địa. Trước đây ta quan niệm chưa đúng nên dùng chữ công nghiệp phụ trợ cho nên có người quan niệm không đúng: Chỉ cần lo làm cái chính không quan tâm tới cái phụ. Xét về mặt ý nghĩa của quá trình công nghệ thì giữa SI và FDI không có cái nào là phụ cả.
SẢN PHẨM DO SI SẢN XUẤT Một câu hỏi lớn là làm thế nào để phát triển các doanh nghiệp SI tại Việt Nam? Tại các nước đã công nghiệp hóa thì ngành SI tồn tại và phát triển từ mấy chục năm trước. Các doanh nghiệp lớn ra đời càng nhiều thì sản phẩm của SI càng phong phú. Vấn đề đó đối với Việt Nam hiện nay thì không đơn giản. Trước hết SI phải phục vụ được yêu cầu sản phẩm của FDI và các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Việc đó tạo nên những đơn hàng lâu dài cho SI Việt Nam. Sự ra đời của FDI tại Việt Nam không theo một thứ tự thời gian được định trước nhưng sản phẩm của công nghiệp thế giới tràn vào Việt Nam thì tăng trưởng hàng ngày, mẫu mã luôn luôn biến đổi. Đầu tiên ta nói về sản phẩm cơ khí. Chúng có một thị trường lớn mà nay chưa cung cấp xuể. Hơn nữa ngành cơ khí chế tạo vẫn là ngành then chốt của công nghiệp. Hai chữ “then chốt” được dùng từ xưa cũ song đến nay vẫn hoàn toàn đứng đắn. Tuy nhiên sản phẩm SI về cơ khí chưa nói hết nhu cầu của các nhà đầu tư FDI vì những lý do sau: _ Sản xuất cơ khí loại “chém to kho mặn” không đưa lại lợi nhuận lớn. Hàng có giá trị cao là hàng cơ khí chính xác hoặc có kết cấu phức tạp hoặc đúc ép nhiều lớp kim loại khác nhau. Để sản xuất thì trước sau gì cũng phải đầu tư công nghệ hiện đại. Vì vậy từ lâu SI còn sản xuất các loại sản phẩm khác mà sản lượng của chúng ngày càng cao theo sự phát triển của xã hội loài người. Đó là các sản phẩm về điện, điện tử, các bộ phận điều khiển tự động. Tuy chưa nắm được số lượng nhưng theo nhiều nguồn thông tin nhiều doanh nghiệp SI mọc lên để sản xuất các sản phẩm điện tử hoặc kết hợp điện, điện tử với cơ khí. Thật vậy các cụm, các phụ tùng về điện, điện tử xuất hiện ngày càng nhiều xung quanh ta. Năm 2011, Tạp chí Tự đông hóa Ngày nay xuất bản cuốn “Kỷ yếu Tự động hóa - Đo lường - Điều khiển 2011”. Chúng tôi đếm được 697 doanh nghiệp. Đó là điều đáng mừng. Nhưng trong số đó các doanh nghiệp có dính đến việc sản xuất linh kiện hoặc cụm lắp thì chỉ đếm được vài chục đơn vị. Số còn lại chỉ làm đại lý hoặc đầu mối để mua sản phẩm từ nước ngoài. Nếu điểm danh các sản phẩm của gần 700 doanh nghiệp nói trên thì có đến hàng vạn chủng loại. Chúng ta không thể duy trì tình trạng hoàn toàn mua của nước ngoài trong khi hàng điện tử tự động hóa trên thế giới tăng vọt và thay đổi hàng ngày. Chỉ cần chúng ta tham gia một phần việc chế tạo sản xuất các sản phẩm đó thì ta cần có hàng trăm doanh nghiệp SI. Tất nhiên, các sản phẩm điện tử là cực kì tinh xảo kích thước ngày càng nhỏ đòi hỏi các phương pháp công nghệ có đặc thù riêng, được hội tụ từ các công nghệ đa dạng, chính xác cao. Xây dựng được SI về điện tử - tự động hóa là đạt được những mục đích sau: * Tham gia vào một thị trường rộng lớn bao la của toàn cầu. Chỉ cần chiếm được một phần nhỏ trong thị trường đó thì ta đã có một doanh thu lớn gấp bội so với công nghiệp điện tử hiện nay. * Là một môi trường thử thách để nâng cao trình độ công nghệ chế tạo góp những kết quả cụ thể cho sự nghiệp công nghiệp hóa. * Là một công cuộc rõ ràng để thể hiện chủ chương hiện đại hóa. * SI về điện tử - tự động hóa là một cổng chào hấp dẫn cho các FDI có trình độ cao về khoa học và công nghệ. Trong bốn hướng ưu tiên của cuộc cách mạng khoa học hiện đại (Cách mang thông tin, cách mạng vật liệu mới, cách mạng sinh học và cuối cùng là tự động hóa) phải chăng một loạt SI về điện tử tự động hóa là những kết quả cụ thể của hướng thứ tư (tự động hóa). Chỉ còn 8 năm nữa (tức là đến năm 2020) cái mốc lịch sử: Đưa nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nỗ lực tạo dựng mục tiêu đó là lòng mong muốn của mọi người.
Trần Tuấn Thanh
Số 135 (3/2012)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay |