Triển lãm do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổ chức Dịch vụ Hội chợ Triển lãm Quốc tế (Tập đoàn Messe Munchen - Đức) phối hợp tổ chức 2 năm một lần. Enerexpo Vietnam 2012 gồm 30 gian hàng của các tập đoàn, công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) của 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Việt Nam, Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Singapore, Pháp …
|
Mô hình thiết bị sản xuất điện gió quy mô nhỏ của Đức |
Triển lãm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam liên tục thiếu điện trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phát triển nguồn năng lượng “xanh” thay thế. Các lĩnh vực và giải pháp được mang tới triển lãm gồm: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, năng lượng sinh học, năng lượng địa nhiệt, chuyển hóa và chuyển tải năng lượng, truyền tải năng lượng và cung cấp năng lượng phân tán. Đây là cơ hội tốt cho các DN Việt Nam tiếp cận những công nghệ, thiết bị và giải pháp tiên tiến của thế giới về năng lượng tái tạo, đặc biệt là Đức, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Về hiện trạng và xu thế của thị trường NLTT tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Đức Cường - GĐ Trung tâm NLTT và Cơ chế phát triển sạch thì Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn NLTT sẵn có của mình, bao gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng NLTT ở Việt Nam chủ yếu là năng lượng sinh khối ở dạng thô cho đun nấu hộ gia đình. Ngoài việc sử dụng năng lượng sinh khối cho nhu cầu nhiệt thì còn có một lượng NLTT khác đang được khai thác cho sản xuất điện năng. Để đáp ứng nhu cầu trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động theo xu thế tăng và Việt Nam sẽ thực sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới. Vì thế, việc xem xét khai thác nguồn NLTT trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Mặc dù trong Tổng sơ đồ phát triển điện 7, Chính phủ đã ưu tiên phát điện từ các nguồn NLTT với mục tiêu tỷ lệ đặt ra là 3,5% tổng sản lượng điện vào năm 2010, 4.5% vào năm 2020, và 6.0% vào năm 2030 cùng với nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT trong đó có miễn thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và mua điện gió với giá cao hơn. Tuy nhiên, theo nhận định của bà Angelika Wasielke - Hiệp hội Hợp tác Quốc tế Đức tại Việt Nam, phát triển NLTT ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong những năm gần đây bởi những rào cản như: rào cản về chính sách, thể chế và tổ chức; rào cản về công nghệ; rào cản về kinh tế tài chính; rào cản về thông tin.
Một số công nghệ NLTT đã và sẽ được đưa vào ứng dụng và khai thác tại Việt Nam như: Công nghệ pin mặt trời; Dự án điện gió quy mô công nghiệp; Xây dựng nhà máy nhiệt điện trấu bước đầu đã đem lại lợi ích nhiều mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho địa phương đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng, lắp đặt và vận hành thành công dự án Phong điện nối lưới đầu tiên tại Việt Nam (tại Bình Thuận) là bước khởi đầu quan trọng trong lĩnh vực NLTT tại Việt Nam. Đồng thời khẳng định các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có đủ năng lực tự thực hiện các dự án Phong điện.
Dự báo năm 2020, nhu cầu về NLTT của Việt Nam sẽ tăng lên tới 5%. Chính phủ Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực trong sản xuất điện từ năng lượng tái tạo bằng việc ban hành chính sách khuyến khích giá điện năng lượng tái tạo (feed-in tariff ) đối với ngành năng lượng gió (với mức giá 7.8 cents USD/kWh). Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu trong Tổng sơ đồ điện 7, chúng ta không chỉ trông chờ Nhà nước và Chính phủ, mà rất cần sự nhận thức và vào cuộc của các cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp, sự trợ giúp từ các tổ chức nước ngoài cùng với ý thức và sự đồng thuận của người dân. Hy vọng trong tương lai không xa, nguồn NLTT của Việt Nam sẽ được khai thác và phát triển hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và giảm nhẹ những tác động xấu đến môi trường.
Theo Automation.net.vn