Cập nhật: 04/05/2012 |
Nhập siêu thấp kỷ lục, doanh nghiệp khó khăn |
|
(VnMedia) -Mặc dù nhập siêu 4 tháng đầu năm đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, nhưng đằng sau con số này lại là câu chuyện nan giải về những khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu.
|
|
Số liệu của Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy, nhập siêu cả nước ước tính trong 4 tháng đầu năm là 176 triệu USD, chiếm 0,5% kim ngạch xuất khẩu (ước tính chỉ bằng 1 tháng so với năm ngoái). Đây là con số khá bất ngờ, khi rơi xuống mức thấp trong nhiều năm.
Trong đó, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các thị trường châu Á như Trung Quốc ước khoảng 4 tỷ USD, ASEAN khoảng 1,7 tỷ USD... Tuy nhiên, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu 844 triệu USD.
Cụ thể, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng 3 nhưng tăng 14,3% so với tháng 4/2011. Như vậy, tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 18,3 tỷ USD, tăng 44%.
Về nhập khẩu, trong tháng 4, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 9,0 tỷ USD, cũng giảm 0,6% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Giải thích về nguyên nhân vì sao tốc độ tăng nhập khẩu của khu vực FDI lại cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung của cả nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho rằng, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
|
Nhập siêu giảm cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất
|
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, việc nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 11,9%, chủ yếu do nhập khẩu nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất giảm. Điều này cho thấy nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang gặp nhiều khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của PV về việc hiện nay có hay không khả năng suy giảm kinh tế, khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế đang ngày càng lao dốc, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cũng cho rằng, hiện nay tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, điều này thể hiện qua hàng tồn kho tăng cao.
“Con số nhập siêu sụt giảm bên cạnh tín hiệu tốt của các chính sách, nó còn cho thấy những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu. Vì vậy, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về kinh tế, chúng ta sẽ tạo một môi trường vĩ mô để doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải nói.
Dẫn chứng về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết, vấn đế lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào có thể tiếp cận vốn vay được tốt và lãi suất thấp hơn. “Vấn đề này dưới sự chỉ đạo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã và đang xúc tiến”, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải nói.
Riêng về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cũng cho biết, để giảm hàng tồn kho Bộ sẽ tiến hành các giải pháp như tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thuơng mại. Cùng với đó phối hợp cùng với các doanh nghiệp, đẩy mạnh trương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng hệ thống phân phối…
Trước đó, tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng cho rằng con số nhập siêu trong những tháng đầu năm giảm mạnh cho thấy những giải pháp thắt chặt hàng xa xỉ của Chính phủ đang có tác dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại cho thấy một thực tế đang buồn là các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng nặng trong sản xuất kinh doanh.
Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nhập siêu sụt giảm mạnh đang là một nỗi lo. Bởi con số sụt giảm này thể hiện sự suy giảm của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước nên nhu cầu nhập nguyên, nhiên, phụ liệu sản xuất đang có nhu cầu thấp. Đây là tín hiệu buồn để nói lên tăng trưởng công nghiệp trong thời gian tới vẫn còn u ám.
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc nhập siêu những tháng đầu năm giảm mạnh đã cho thấy chính sách kìm chế để đảm bảo kinh tế vĩ mô có tác dụng hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả này chúng ta lại thấy nó đang phản ánh một thực tế đáng buồn, đó là sự ngưng trệ và đình đốn trong sản xuất kinh doanh.
Yến Nhi |
|