Cập nhật: 09/05/2012 |
Lưu dữ liệu lên 'mây' liệu có thành gửi trứng cho ác? |
|
Hiển nhiên dữ liệu của bạn trên các dịch vụ lưu trữ như Dropbox, Google Drive vẫn thuộc về bạn, nhưng nếu tình cờ ở đâu đó, bạn gặp các thông tin được “chiết xuất” từ dữ liệu của mình, bạn sẽ xử lý như thế nào?
|
|
| |
|
Hiện các dịch vụ lưu trữ và sao lưu “trên mây” đang ngày càng nở rộ. Việc Google Drive ra mắt khiến thị trường lưu trữ "trên mây" thêm sôi động hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bạn hay nhà cung cấp dịch vụ hay cả hai đều có thể sử dụng dữ liệu bạn lưu trữ "trên mây", và nếu chẳng may dữ liệu mất hay bị đánh cắp thì hướng xử lý sẽ ra sao.
Ví dụ cụ thể, trong điều khoản dịch vụ của Google, tại mục “nội dung của bạn”, Google được quyền lưu trữ, nhân bản, điều chỉnh, tạo các tác phẩm phái sinh, xuất bản, phân phối các nội dung mà bạn tải lên nhằm cải thiện và tăng cường các dịch vụ của hãng.
Hiện hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đều có điều khoản dịch vụ tương tự Google về việc sử dụng, chỉnh sửa hay phân phối dữ liệu. Đơn giản vì các nhà cung cấp dịch vụ cần chủ động di chuyển dữ liệu từ trung tâm dữ liệu này sang trung tâm dữ liệu khác để đề phòng thảm họa hay thực hiện công tác bảo trì…
Tuy nhiên, nếu bạn chú ý sẽ thấy điều khoản dịch vụ này của Google dùng cho tất cả dịch vụ của hãng và đây chính là vấn đề. Nếu bạn sử dụng Google Drive, lưu trữ các dữ liệu của cá nhân, thì theo điều khoản này mặc nhiên bạn đồng ý cấp phép cho Google sử dụng dữ liệu của bạn. Do đó, trước khi quyết định lưu trữ dữ liệu “trên mây” bạn hãy xem kỹ chính sách sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp.
Với doanh nghiệp có nhu cầu lưu trữ hay sao lưu dữ liệu “trên mây”, bạn nên chú ý khi xem các điều khoản hợp đồng để phòng tránh những rủi ro xảy ra, chẳng hạn khi gặp sự cố mất dữ liệu hay bị đánh cắp thì hướng xử lý ra sao, chi phí như thế nào, phương pháp điều tra xác định lỗi, tiêu chuẩn mã hóa sử dụng… Hiện hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đều cung cấp sẵn mẫu hợp đồng, tuy nhiên thường sẽ có một số điều khoản không rõ ràng hoặc phần lợi nghiêng về phía họ. Vì vậy, bạn hãy xem kỹ hợp đồng và cùng chỉnh sửa lại các điều khoản sao cho hợp lý.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên xác định rõ dữ liệu nào có thể lưu trữ trên mây. Với các dữ liệu như tài chính, hồ sơ y tế, thông tin cá nhân..., lời khuyên là bạn không nên lưu trữ “trên mây”. Nếu buộc phải lưu trữ các dữ liệu này bạn nên dùng các cơ chế mã hóa mạnh và thực hiện lưu song song vừa “trên mây” vừa tại máy chủ doanh nghiệp, máy tính cá nhân hoặc một nơi khác an toàn nhằm tránh rủi ro, “cẩn tắc vô ưu”.
Lưu trữ trực tuyến hay lưu trữ “trên mây”: lưu trữ các tập tin trên các máy chủ lưu trữ của nhà cung cấp dịch vụ, bạn có thể truy cập từ bất kỳ đâu miễn có kết nối Internet.
Sao lưu trực tuyến hay sao lưu “trên mây”: sao lưu, dự phòng dữ liệu trên các máy chủ lưu trữ của nhà cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo sự an toàn và toàn vẹn dữ liệu. Bạn có thể lập lịch sao lưu, mã hóa dữ liệu tải lên, tải về…
|
Theo Pcworld.com.vn