“Với kinh nghiệm quản lý, vận hành vệ tinh Vinasat-1 trong suốt 4 năm qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty Viễn thông quốc tế VTI sẽ làm chủ toàn bộ công việc quản lý, khai thác Vinasat-2. Theo dự kiến, sau khi phóng thành công, đến đầu quý III/2012, vệ tinh Vinasat-2 chính thức được đưa vào vận hành khai thác. Chúng tôi đã sẵn sàng “lái” Vinasat-2”.
Có thể nói, lời khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của ông Hồ Công Lâm - Phó Giám đốc VTI khi trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo công bố sự kiện phóng vệ tinh Vinasat-2 hôm 7/5 vừa rồi, là sự tự tin được xây dựng từ những cơ sở thực tế vững chắc… Bởi, trước khi được giao vận hành Vinasat-2, vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam sẽ được phóng vào vũ trụ ngày 16/5 tới, VTI đã làm chủ hoàn toàn được việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh Vinasat-1.
Trạm Điều khiển và khai thác vệ tinh Vinasat-1 đặt tại Quế Dương được coi là “bộ não” có nhiệm vụ giám sát và điều khiển vệ tinh hoạt động đúng quỹ đạo. Tại đây luôn có khoảng 30 kỹ sư Việt Nam trẻ tuổi, đa phần đều thuộc thế hệ 8x, có trình độ và nhiệt huyết, chủ yếu tốt nghiệp từ Đại học Bách khoa và Học viện Kỹ thuật Quân sự làm việc.
Các kỹ sư này được phân thành các nhóm: kỹ sư vệ tinh, kỹ sư phân tích quỹ đạo, kỹ sư cao tần, và kỹ sư phần mềm. Họ thay nhau trực ca 24/24h, đảm nhận nhiệm vụ thu thập các số liệu từ vệ tinh, đánh giá phân tích và đưa ra những lệnh điều khiển cần thiết để Vinasat-1 đi đúng quỹ đạo. Trong trường hợp hoạt động ổn định, thì việc điều chỉnh vệ tinh trở về vị trí chính xác được tiến hành định kỳ 1 lần/ tuần.
Để hỗ trợ cho các kỹ sư của Việt Nam, trong 1 năm đầu sau khi vệ tinh Vinasat-1 được đưa vào khai thác, các chuyên gia của Lockheed Martin đã cùng tham gia việc giám sát và điều khiển vệ tinh với các cán bộ kỹ thuật của VTI tại Trạm Quế Dương.
|
Đối tác Lockheed Martin đã hoàn thành việc lắp đặt vệ tinh Vinasat-2, chờ ngày lên bệ phóng. |
Thông qua quá trình này, các kỹ sư của VTI có điều kiện học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức về vận hành vệ tinh. Sau thời gian nói trên, toàn bộ chuyên gia kỹ thuật của Lockheed Martin đã quay trở về Mỹ. Từ thời điểm đó đến nay, các kỹ sư của VTI đã trực tiếp và tự thực hiện toàn bộ công việc giám sát, điều khiển và khai thác vệ tinh.
Theo ông Hồ Công Lâm - Phó Giám đốc VTI, suốt trong quá trình vận hành, khai thác các kỹ sư Việt chưa để một sự cố nào, dù là nhỏ nhất xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của vệ tinh cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ. Các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật của Vinasat-1 được giám sát chặt chẽ thường xuyên, cho thấy vệ tinh đang hoạt động tốt, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật theo thiết kế...
Để vệ tinh Vinasat-1 hoạt động được ổn định, hiệu quả, đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt nhất đến khách hàng, suốt 4 năm qua, các cán bộ kỹ sư VTI tham gia vào công tác vận hành, điều khiển vệ tinh đã luôn nỗ lực hết mình.
Và giờ, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc điều khiển, khai thác Vinasat-2, thời gian qua Trung tâm Thông tin vệ tinh đã xây dựng, phát triển thêm đội ngũ cán bộ kỹ thuật, tạo điều kiện cho các kỹ sư trẻ được nghiên cứu, tiếp cận dần với vệ tinh Vinasat-2.
Song song với việc vận hành Vinasat-1, trong suốt thời gian qua, VNPT đã tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, triển khai thiết bị mặt đất cho việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh Vinasat-2. Ngay những ngày đầu năm 2011, bên cạnh ăng ten thu phát tín hiệu từ Vinasat-1, VTI đã triển khai làm móng, chuẩn bị xây dựng bệ ăng ten cho Vinasat-2.
Theo Trưởng Đài Điều khiển vệ tinh Hoàng Phúc Thắng, Vinasat-2 có cấu trúc và thiết kế tương đối giống so với “người anh em” Vinasat-1, cùng do nhà sản xuất Lockheed Martin sản xuất. Đây sẽ là thuận lợi rất lớn để đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận và làm chủ việc vận hành, khai thác và quản lý vệ tinh này.
Với kinh nghiệm vận hành Vinasat-1 trong 4 năm qua và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nhân lực, thiết bị, tin rằng đội ngũ kỹ sư Việt Nam sẽ tiếp tục “lái” thành công vệ tinh Vinasat-2.
Theo Vnmedia.vn