|
TS Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số trong lễ ra mắt Hội ngày 20/4 |
Báo cáo về “Thực trạng và Hướng phát triển Truyền thông số VN” vừa được Hội Truyền thông số công bố sáng 31/5 tại Hà Nội dự đoán rằng, sự hội tụ này – cũng như của Công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) sẽ tạo ra khả năng phát triển kinh doanh không giới hạn cho các DN bất kể lớn nhỏ. Nói cách khác, đây chính là cơ hội cho các DN Việt tìm kiếm thế cân bằng với các “ông lớn” quốc tế.
Cũng theo Báo cáo, ước tính đến đầu năm 2012, VN đã có 31 triệu người sử dụng Internet, 70% trong đó dưới 35 tuổi. Gần 15% số hộ gia đình có kết nối Internet. Còn theo số liệu từ Cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cả nước hiện có 62 báo và tạp chí điện tử, hơn 300 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí và 1024 trang thông tin điện tử tổng hợp. Mạng xã hội cũng đang phát triển rất nhanh với 227 mạng xã hội đăng ký hoạt động tại VN.
Về phát thanh, truyền hình số, Tháng 12/2011, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Theo đó, đến năm 2015, bảo đảm 80% số hộ có TV được xem truyền hình số và đến năm 2020, tỷ lệ này là 100%.
Thị trường Thương mại điện tử trong nước cũng đang phát triển nhanh chóng. Một bộ phận người Việt đã bắt đầu chấp nhận văn hóa mua hàng qua mạng, nhất là đối với các mặt hàng điện tử - công nghệ và các dịch vụ như ăn uống, giải trí, làm đẹp.
Tuy nhiên, Báo cáo của Hội Truyền thông số cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành truyền thông số VN hiện nay.
Có thể thấy rõ nhất là việc cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng trong quản lý nội dung trên Internet. Vẫn còn nhiều nội dung, thông tin xấu chưa được kiểm soát kịp thời, hoặc khi kiểm soát thì dùng biện pháp ngăn cấm chưa hiệu ủa, chưa hình thành được chế tài xử phạt đủ rõ.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các nhà mạng với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) vẫn tiếp tục là điểm nóng tranh cãi. Quan hệ này bị nhận định là chưa công bằng, tỷ lệ ăn chia doanh thu vẫn quá chênh lệch về phía nhà mạng, các CP phải chịu cảnh bị chèn ép. Cùng cung cấp dịch vụ nội dung nhưng CP nào thuộc sở hữu hoặc có quan hệ tốt với nhà mạng sẽ được ưu đãi hơn. Các chuyên gia cho rằng bất cập này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nội dung di động tại VN.
Hội Truyền thông Số VN chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 20/4, với vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với DN, người dùng và hội nhập quốc tế. Mục tiêu hoạt động của Hội nhằm Truyền thông quảng bá cho ngành truyền thông số VN, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp góp phần chuyên nghiệp hóa ngành, thúc đẩy giao lưu, hợp tác liên ngành trong lĩnh vực nội dung số....
Theo Vietnamnet.vn