Thứ sáu, 27/12/2024
Translate
Tìm kiếm
Giới thiệu chung VEIA
English
Tin tức và sự kiện
Doanh nghiệp hội viên VEIA
Xúc tiến thương mại
Dịch vụ trực tuyến B2B
Thế giới công nghệ
Xã hội điện tử-thông tin
Văn bản pháp quy
Hội viên Hiệp hội điện tử
English News and Events
Đại hội VEIA IV
Tạp chí Điện tử Vietnet24h, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Thông tin thời tiết

  Cập nhật: 19/06/2012
Cần giấy phép cho sách điện tử

Sáng 18.6, Quốc hội đã tập trung thảo luận tại hội trường để làm rõ thêm các chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản, mô hình, tổ chức, đối tượng và việc liên kết, hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản, việc tổ chức hoạt động in xuất bản phẩm và về tổ chức phát hành.

 

Cần giấy phép cho sách điện tử

Nhiều loại thiết bị điện tử hiện nay đều có chức năng đọc sách. Ảnh: Giang Huy

Nhiều ý kiến phát biểu cho thấy Dự luật Xuất bản (sửa đổi) lần này vẫn chưa theo kịp thời đại vì vẫn còn khoảng trống lớn đối với lĩnh vực xuất bản điện tử.

Nhà xuất bản nên là doanh nghiệp

Bàn về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà xuất bản (NXB), ĐB Trần Thị Diệu Thuý (TP.Hồ Chí Minh) và nhiều ĐB khác đã không nhất trí với dự thảo luật sửa đổi là NXB tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc Cty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu, mà nên giữ như Luật XB hiện hành là NXB được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu. Để đảm bảo cho cơ cấu này hoạt động đúng pháp luật, các ĐB theo luồng ý kiến này đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn chức danh chủ tịch HĐTV (luật hiện hành chỉ quy định tiêu chuẩn chức danh với GĐ, TBT - PV) vì tại các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình Cty TNHH MTV sẽ chịu sự điều chỉnh bởi 2 luật, Luật Doanh nghiệp và Luật XB.

Nếu người đại diện pháp luật tại Cty TNHH MTV NXB được giao cho chủ tịch HĐTV khi NXB vi phạm pháp luật thì chủ tịch HĐTV sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các ĐB cũng đề nghị bổ sung tiêu chuẩn chức danh phó tổng biên tập vì xét về lĩnh vực nghề nghiệp, chức danh phó tổng biên tập tại NXB là người chịu trách nhiệm nội dung rất quan trọng, bao gồm tổ chức bản thảo, chịu trách nhiệm XB. Nếu không quy định tiêu chuẩn cụ thể sẽ ảnh hưởng lớn chất lượng xuất bản phẩm (XBP) cũng như NXB.

Đối với chức danh biên tập viên, cũng có khá nhiều ý kiến đề cập và cho rằng không cần thiết phải quy định cấp thẻ biên tập viên vì không cần thiết. “Việc cấp thẻ này về mặt thực tế không có ý nghĩa, vì công việc của các biên tập viên chủ yếu là ở một chỗ đọc duyệt các XBP. Do đó, việc có hoặc không có thẻ cũng không ảnh hưởng gì, không như thẻ nhà báo, vì thẻ nhà báo bắt buộc phải sử dụng để phục vụ cho quá trình tác nghiệp tại nhiều hiện trường khác nhau” - ĐB Thúy đề nghị.

Khá nhiều ĐB cũng cho rằng dự luật quy định cơ sở XB tại địa phương phải đăng ký hoạt động in với UBND tỉnh là khá vô lý, vì họ đã đăng ký kinh doanh tại sở KHĐT theo Luật Doanh nghiệp. “Quy định đăng ký hoạt động in ấn với UBND tỉnh nhưng trình tự thủ tục hồ sơ như thế nào thì luật chưa đề cập đến. Hơn nữa, các cơ sở in có sản phẩm in ở phạm vi rất rộng lại giao cho UBND tỉnh, trong khi đó lĩnh vực in không những thuộc phạm vi quản lý của Bộ TTTT mà còn thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành khác như in tiền, in bằng cấp, in bao bì dược phẩm, hàng hóa thì UBND tỉnh làm sao quản lý hết được?” - ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nêu câu hỏi.

Lỗ hổng xuất bản lậu

Một vấn đề cũng đã được các ĐB đặc biệt quan tâm đó là làm cách nào để quản lý XB lậu. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Triệu Mùi Nái (Hà Giang) cho rằng, XB lậu đang là điều bức xúc trong thị trường XBP hiện nay, bởi có tới trên 90% số sách bày bán ở vỉa hè, lề đường là sách lậu. “Đó không chỉ là tội phạm, mà trong nhiều trường hợp còn có thể gọi là tội ác vì phá hoại niềm tin trong xã hội, gieo rắc vào những người tiếp cận, sử dụng những XB thật này suy nghĩ là trong xã hội ta gì cũng có thể lậu được, có thể ăn cắp được, thậm chí có thể ăn cướp được. Vì vậy, tôi đề nghị phải bổ sung những quy định chặt chẽ, những chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi này” - ĐB Hùng kết luận.

Đối với lĩnh vực XB điện tử, sách điện tử, rất nhiều ĐB cho rằng dự luật đang còn một khoảng trống quản lý lớn. ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, những đề cập trong XBP điện tử trong dự luật này khá sơ sài. Ở điều 25 quy định một cách chung chung và giao trách nhiệm cho Chính phủ. Trong khi hiện tại, lĩnh vực này chưa hề được kiểm soát và trong thực tế có rất nhiều sách được chuyển đổi từ XBP in sang XBP điện tử đều không có bản quyền, nhưng chưa có chế tài nào quy định vấn đề này. Cùng chung ý kiến, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Luật Xuất bản cần đề cập nhiều hơn, kỹ hơn đến loại hình sách điện tử, sách kỹ thuật số, xem sách điện tử là đối tượng điều chỉnh trong Luật Xuất bản, bởi lẽ nhiều loại thiết bị điện tử hiện nay đều có chức năng đọc sách và dễ dàng cài đặt các phần mềm đọc sách để sao chép miễn phí, hàng nghìn tác phẩm, tiểu thuyết, truyện, tất cả đều không có bản quyền. “Một máy Ipad có thể chép cả nghìn truyện tranh, một cơ sở in lậu chỉ sai phạm một vài cuốn sách, tên sách còn các máy điện tử như Ipad chép cả nghìn tên sách nhưng không thể xử lý.

Sách in lậu cũng có thể giải quyết và thu hồi được vì sách vẫn phải được bán ra thị trường, nên chỉ là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã in, còn với sách điện tử sao chép lậu thì chưa có chế tài, trong khi đó lại là sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng và ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường XB phát hành sách, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sách... Trong dự thảo luật tại điều 15, 25 và 44 về XBP điện tử với một số quy định không cụ thể và quá đơn giản, giao cho Bộ TTTT quản lý và Chính phủ quy định chi tiết các điều này, trong khi hiện tại lĩnh vực này chưa được kiểm soát” - ĐB Minh bức xúc. Từ những lập luận đó, ĐB Minh cho rằng XBP điện tử, sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép XB như một XBP bình thường và phải có các biện pháp chế tài xử lý các vi phạm bản quyền đối với XBP điện tử, đồng thời luật phải có một chương riêng về XB, XBP điện tử chứ không nên chỉ có 3 điều như trong dự thảo luật.

Theo Laodong.com.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam
Hội Tin học Việt Nam
VAA
Hội tin học Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty TNHH MTV Hanel
Công ty CP Minh Việt
Trung tam TKNL Hanoi (ECC Hanoi)
Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát



www.veia.org.vn

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 11, Tòa nhà MIPEC TOWER 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (84-4) 39332845 Fax: (84-4) 39332846
Email: hiephoidientu@veia.org.vn, Website: www.veia.org.vn

.Designed by Intecom ( Minh Việt JSC and HanelCom )