|
Đại diện lãnh đạo VNPT và Viettel khẳng định không có chuyện “đi đêm” với nhau để nâng giá cước thuê kênh. |
Những năm 2000, khi Viettel “nổ phát súng” đầu tiên cho việc cạnh tranh trên thị trường viễn thông thì vấn đề thuê kênh của VNPT trở thành mối cản trở lớn nhất cho DN này bước vào thị trường viễn thông. Nhiều câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh đã được báo giới đưa ra trong vài năm đầu khi Viettel nhập cuộc. Những câu chuyện về "VNPT chơi xấu đối thủ" hay "Viettel sống trên lưng VNPT" liên tục được đề cập. Trước thực trạng đó, Viettel đã quyết tâm xây dựng hạ tầng cho riêng mình. Sau đó, việc xin giấy phép thiết lập hạ tầng giống như “trăm hoa đua nở”. Mặc dù Bộ TT&TT cấp phép cho gần 10 DN được thiết lập hạ tầng mạng. Thế nhưng, trên thực tế thị trường dịch vụ thuê kênh vẫn chỉ nằm trong tay 3 nhà khai thác có tiềm lực hạ tầng mạnh nhất là EVN Telecom, VNPT và Viettel. Thế nhưng, sự "ra đi" của EVN Telecom đã khiến tương quan thị trường này mất thế đối trọng "chân vạc" để cạnh tranh. Nếu như trước đây, người ta chưa nhận thấy vai trò của EVN Telecom trong thị trường viễn thông thì giờ mới ngộ ra rằng DN này là chỗ "bấu víu" của rất nhiều DN viễn thông nhỏ bởi chính EVN Telecom là chất xúc tác cho thị trường thuê kênh giá rẻ.
DN nhỏ nhất loạt lên tiếng
Mới đây, các DN viễn thông nhỏ không có hạ tầng, hoặc hạ tầng chưa hoàn thiện đã "tố" VNPT và Viettel tăng giá thuê kênh khiến họ lao đao. Đại diện một ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) tại Việt Nam cho biết, mới đây họ đã nhận được thông tin từ phía VNPT và Viettel về việc tăng cước thuê kênh. "Viettel cũng đưa ra mức giá mới trên những hợp đồng mà chúng tôi và EVN Telecom ký trước đây, mức tăng sẽ tới 2 - 3 lần. Việc Viettel đưa ra mức cước thuê kênh này sẽ thôi thúc DN sớm hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn phục vụ cho chính mình", vị đại diện này nói. CMC TI cũng rơi vào tình cảnh tương tự vì đã nhận được bảng giá mới từ VNPT và Viettel điều chỉnh tăng cước thuê kênh.
Trong buổi họp mới đây với Bộ TT&TT, bà Trịnh Minh Châu, TGĐ Hanoi Telecom đã bày tỏ bức xúc rằng sau khi EVN Telecom "ra đi" thì hợp đồng thuê kênh với các DN lớn như VNPT và Viettel được đẩy lên. Điều này khiến cho những DN có quy mô khiêm tốn như Hanoi Telecom đã khó lại càng thêm khó. Ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch HĐQT của Hanoi Telecom cho biết, VNPT và Viettel mới đây đã tăng tới gần 300% giá thuê kênh đối với mạng Vietnamobile. Hanoi Telecom đưa ra dẫn chứng, ngày 13/3/2012, DN nhận được Công văn số 594/VTN-KD của Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN - trực thuộc VNPT) thông báo điều chỉnh mức cước thuê kênh, với giá thuê tăng lên đến 276% so với giá cũ. Đến 26/4, Hanoi Telecom tiếp tục nhận được Công văn 2131/VTT-Viettel từ Công ty Viễn thông Viettel, cũng thông báo thay đổi giá thuê kênh với mức tăng hơn hai lần, tương đương 207%.
Không có chuyện VNPT và Viettel "bắt tay nhau"
Trước thông tin DN viễn thông nhỏ đồng loạt tố VNPT và Viettel nâng cước thuê kênh và rất có thể đây là hành động "thông đồng tăng giá", ông Lương Mạnh Hoàng, Giám đốc Công ty VTN khẳng định không có chuyện VNPT và Viettel "đi đêm" với nhau. “Việc nâng giá cước gần đây chẳng qua là sự tình cờ của VNPT và Viettel chứ không có chuyện bắt tay nhau để nâng cước sau khi EVN Telecom không còn. Sự tình cờ này có thể khiến các DN khác suy diễn theo chiều hướng không tốt cho VNPT”, ông Hoàng nói. Ông Lương Mạnh Hoàng giải thích rằng, sở dĩ VTN phải tăng cước vì công ty này cần tính toán đến hiệu quả kinh doanh sau khi VNPT yêu cầu các đơn vị hạch toán riêng. Vì vậy, VTN phải nâng giá cước thuê kênh để đảm bảo kinh doanh có lãi và mức giá này được áp dụng chung cho tất cả đơn vị của VNPT cũng như là các DN viễn thông khác.
Một lãnh đạo của Viettel Telecom cũng khẳng định là Viettel không tăng cước thuê kênh như các DN đã phản ánh. Viettel chỉ áp dụng mức cước thuê kênh đối với những trường hợp khách hàng thuê kênh của EVN Telecom trước đây sau khi hết hợp đồng sẽ phải ký hợp đồng mới theo giá thuê kênh hiện hành của Viettel. “Có thể mức giá thuê kênh của Viettel cao hơn so với mức giá mà khách hàng thuê của EVN Telecom trước đây, bởi mức giá cước thuê kênh mà EVN Telecom đưa ra quá thấp đến mức không có lãi. Khi tiếp nhận EVN Telecom vào Viettel thì chúng tôi buộc phải áp dụng mức cước hiện hành của Viettel chứ không thể áp dụng mức cước mà EVN Telecom đưa ra trước đó”, vị đại diện này nói.
Bộ TT&TT không để độc quyền đối với dịch vụ thuê kênh
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ mới nhận được thông tin về Viettel tăng giá thuê truyền dẫn của EVN Telecom trước đây chứ giá thuê kênh của Viettel vẫn được giữ nguyên. Hiện 2 DN chiếm thị phần hạ tầng khống chế là VNPT và Viettel còn dư nhiều kênh thuê, nên nếu “ông” này tăng thì thuê của “ông” kia, vì thế thời điểm hiện tại sẽ khó có sự liên minh độc quyền. “Tất nhiên, nếu DN nào tăng mạnh quá thì Bộ cũng phải “nhảy” vào xem xét mức tăng có hợp lý hay không để có những biện pháp xử lý. Còn trường hợp cả hai DN chiếm thị phần khống chế cùng tăng thì đó là có dấu hiệu của liên minh độc quyền”, ông Hải cho biết.
Theo Ictnews.vn