|
Hơn 90% thị phần thị trường di động đã thuộc về tay 3 "đại gia" Viettel, MobiFone, VinaPhone và gần như không còn "cửa" cho các doanh nghiệp khác. |
Khi doanh nghiệp lớn kêu, doanh nghiệp nhỏ than
Ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc MobiFone cho rằng thị trường viễn thông đang cạnh tranh quá mức. Ông Mai Văn Bình đưa ra ví dụ cước 3G của Việt Nam đang thuộc diện rẻ nhất thế giới. Chẳng hạn nếu so với Thái Lan, cước 3G của Việt Nam rẻ hơn khoảng 10 lần. Vì vậy, nếu cạnh tranh quá mức thì không phát triển được và không có lợi nhuận để tái đầu tư.
Bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom cho biết đối tác Hutchison cũng đã đầu tư tại 13 – 14 thị trường nước ngoài nhưng họ lại rất "đau đầu" với thị trường Việt Nam. "Thị trường viễn thông thì trong cảnh các doanh nghiệp viễn thông rào rào xin giấy phép, nhưng cạnh tranh quá thì có anh chết, có anh ngắc ngoải. Chúng tôi và đối tác đã đầu tư cả tỷ USD, nếu cơ quan quản lý không có đường lối đúng đắn thì chúng tôi cũng sẽ chết", bà Trịnh Minh Châu chua xót.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc Công ty Digicom của VTC cho biết, độ hấp dẫn trong đầu tư làm viễn thông rất thấp. Thị trường viễn thông đang cạnh tranh quá mức. Việc cạnh tranh này khiến VTC không có nhu cầu đầu tư vào đó nữa bởi nó không đem lại lợi nhuận.
Đại diện CMC TI cũng chia sẻ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn trong việc cung cấp dịch vụ băng rộng quá khó khăn. Thậm chí nếu thị trường vận hành theo kiểu hiện nay gần như không có "cửa" cho các doanh nghiệp nhỏ vì càng làm càng lỗ. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn được bù chéo từ các dịch vụ khác khác để cạnh tranh.
Đại điện Đông Dương Telecom thì cho rằng, cần phải xem lại chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển bằng cách ưu tiên một số dịch vụ chỉ cho các doanh nghiệp này được phép cung cấp. Nếu tình hình cạnh tranh như hiện nay thì các doanh nghiệp nhỏ rất khó phát triển được. Trong khi các doanh nghiệp lớn có thể bù chéo dịch vụ nọ sang dịch vụ kia thì doanh nghiệp nhỏ không có gì để bù chéo. Như vậy, thị trường đang cạnh tranh không công bằng. Vì vậy, thị trường viễn thông sẽ chỉ còn hai doanh nghiệp lớn mà thôi và sẽ hạn chế cạnh tranh.
Hàng loạt giấy phép viễn thông "đắp chiếu"
Trong điều kiện khó khăn trong đầu tư vào viễn thông hiện nay, nhiều doanh nghiệp mới chọn giải pháp ôm hàng loạt giấy phép nhưng "án binh bất động". Có thể điểm mặt hàng loạt các doanh nghiệp được cấp gần hết các loại giấy phép viễn thông nhưng phần lớn không đưa ra cung cấp dịch vụ như Đông Dương Telecom, VTC, CMC, GTel...
Theo Luật Viễn thông, nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép, nhưng không triển khai trên thực tế nội dung quy định trong giấy phép viễn thông được cấp sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày được cấp giấy phép sẽ bị thu hồi. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới với lý do tương tự.
Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT cũng đã tiến hành thu hồi một số giấy phép quá thời hạn 2 năm nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ. Thế nhưng, đây chủ yếu là giấy phép cung cấp dịch vụ Internet. Mới đây, trong buổi làm việc với Cục Viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục rà soát lại những doanh nghiệp được cấp phép cung cấp các dịch vụ viễn thông, nhưng quá thời hạn quy định mà chưa cung cấp dịch vụ. Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ kiên quyết thu hồi những giấy phép này theo đúng luật.
Hiện Bộ TT&TT cũng đang xây dựng chính sách về phí thương quyền viễn thông. Khi chính sách này được ban hành sẽ hạn chế được tình trạng các doanh nghiệp xin giấy phép "miễn phí" rồi không triển khai cung cấp dịch vụ.
Dù muốn, nhưng FPT chưa tìm thấy cơ hội đầu tư vào thị trường di động
Trả lời câu hỏi của Báo Bưu điện Việt Nam về vấn đề nếu một mạng di động của Việt Nam rao bán với giá rẻ thì FPT có còn ý định mua lại hay không, ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT cho rằng, thị trường di động Việt Nam hiện đã bị tràn đầy. 3 nhà cung cấp hàng đầu là Viettel, MobiFone và VinaPhone đã chiếm tới 95% thị phần. Trong khi đó các mạng di động nhỏ cũng đang "bốc hơi". "Tôi nghĩ ở Việt Nam với mức cước và tình hình thị trường thế này rất khó cạnh tranh. Vì vậy, vấn đề không phải là mạng di động được rao bán rẻ hay bán đắt mà chúng tôi nhìn thấy có cơ hội để làm hay không. Cá nhân tôi vẫn giữ quan điểm không đầu tư vào EVN Telecom vì không thấy có cơ hội nào. Khi FPT tuyên bố rút khỏi thương vụ này, cổ đông đánh giá rất cao", ông Trương Đình Anh nói.
Ông Trương Đình Anh tiết lộ là FPT sẽ thử nghiệm việc tiến công vào thị trường này theo hình thức đầu tư vào một thị trường nước ngoài.
Theo Ictnews.vn